Nhỏ Bình thường Lớn

Hợp tác lao động Việt Nam – Hàn Quốc: Lĩnh vực trụ cột và hiệu quả hàng đầu

Từ mối liên hệ giữa hai dân tộc Việt – Hàn sớm bắt đầu từ gần 9 thế kỷ trước và trong suốt 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hai nước Việt Nam – Hàn Quốc đã phát triển không ngừng từ hữu nghị, hợp tác đến đối tác chiến lược. Hiện hai nước đang đứng trước những cơ hội to lớn để phát triển mạnh mẽ quan hệ Đối tác chiến lược trên tất cả các lĩnh vực – trong đó, hợp tác lao động được đánh giá là lĩnh vực trụ cột và hiệu quả hàng đầu.
Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Khánh Chi)

Trong tuyên bố chung Việt Nam – Hàn Quốc nhân chuyến thăm Hàn Quốc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (tháng 11/2011) và Thông cáo báo chí chung Việt Nam – Hàn Quốc nhân chuyến thăm Hàn Quốc tháng 3/2012 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Lãnh đạo cấp cao của hai nước đã thoả thuận tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực lao động cũng như giải quyết ổn thoả các vấn đề liên quan. Trên tinh thần đó, nhân kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Hội nghị hợp tác lao động Việt Nam – Hàn Quốc nhằm thúc đẩy giải quyết các vấn đề còn tồn tại và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực lao động giữa hai nước.

Trọng tâm hợp tác

Trong những năm gần đây, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong lĩnh vực lao động đã phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, góp phần đáng kể vào việc thúc đẩy quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược giữa hai nước trong những năm vừa qua. Hiện nay, hai bên đang hợp tác đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho người lao động nước ngoài (gọi tắt là EPS), đưa thuyền viên đánh bắt cá gần bờ sang làm việc trong ngành ngư nghiệp và đưa lao động kỹ thuật theo chương trình visa E7... Các tập đoàn Hàn Quốc nhận thầu xây dựng các công trình ở nhiều nước cũng đang tiếp nhận và sử dụng một số lượng lớn lao động Việt Nam.

Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam và các Bộ, ngành liên quan của Hàn Quốc đã triển khai nhiều chương trình hợp tác trong các lĩnh vực lao động và an sinh xã hội, thông qua các Thoả thuận và Biên bản ghi nhớ ký kết giữa Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam với các cơ quan hữu quan Hàn Quốc. Trên cơ sở các ưu tiên của Việt Nam về phát triển nguồn nhân lực, Hàn Quốc đã hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trong việc đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ quản lý, giáo viên dạy nghề, hợp tác nghiên cứu, cử chuyên gia tư vấn cho công tác xây dựng chính sách đào tạo nghề, huấn luyện thí sinh Việt Nam dự Hội thi tay nghề ASEAN và thế giới, hỗ trợ nâng cấp các Trường dạy nghề...

Hiện có khoảng 75.000 lao động Việt Nam (gồm cả số lao động đã hết hạn hợp đồng nhưng còn ở lại) đang làm việc tại Hàn Quốc. Trong số đó, có khoảng 63.000 lao động thuộc chương trình EPS, 2.700 lao động là thuyền viên trên các tàu đánh bắt cá, 600 lao động kỹ thuật cao và khoảng 3.000 lao động có hợp đồng nâng cao tay nghề với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và lao động theo hợp đồng cá nhân.

Năm 2008, Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc đã ký kết Hiệp định vay cho Dự án thành lập 5 trường cao đẳng nghề Việt Nam – Hàn Quốc với tổng trị giá vốn vay 35 triệu USD. Trong khuôn khổ Thoả thuận hợp tác kỹ thuật về An toàn vệ sinh lao động giữa Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam và Cơ quan An toàn vệ sinh lao động Hàn Quốc (KOSHA) từ năm 2003, và gần đây được tiếp tục ký kết hợp tác cho giai đoạn 2010-2012.

Bên cạnh các chương trình hợp tác song phương, Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam và các cơ quan hữu quan của Hàn Quốc cũng thường xuyên có các hợp tác trong khuôn khổ các hoạt động của ASEAN+, hợp tác thông qua tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về đào tạo nâng cao năng lực xây dựng chính sách lao động và xã hội.

Phát huy lợi thế về lao động

Lao động Việt Nam được chủ sử dụng lao động Hàn Quốc ưa thích bởi tính cần cù, chịu khó, sáng tạo và nhanh chóng hoà nhập với môi trường sinh hoạt và làm việc tại Hàn Quốc. Vì vậy, so với 14 quốc gia có tham gia xuất khẩu lao động sang thị trường này, Việt Nam luôn dẫn đầu về tỷ lệ lao động được chủ sử dụng Hàn Quốc lựa chọn và số lượng lao động được nhập cảnh vào Hàn Quốc theo chương trình EPS của Việt Nam chiếm 25% tổng số lao động nước ngoài làm việc tại Hàn Quốc.

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2012, chương trình EPS đã đưa gần 6.500 lao động sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS. Thu nhập bình quân của lao động Việt Nam tại Hàn Quốc là khoảng 900-1.200 USD/tháng và mỗi năm, tổng số thu nhập do người lao động Việt Nam chuyển về nước cho gia đình khoảng trên 600 triệu USD.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, xuất hiện tình trạng người lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng không về nước mà tiếp tục ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Cuối năm 2011, những lao động đầu tiên đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS đã hết hạn hợp đồng nhưng quá nửa số lao động này không về nước, gây ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện chương trình này.

Tại Hội nghị Hợp tác lao động Việt Nam – Hàn Quốc, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: “Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến công tác đưa người Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc. Chúng ta cần tăng cường giáo dục cho lao động Việt Nam trước khi đi, để họ nhận thấy trách nhiệm của mình đối với đất nước, với quê hương. Phải làm cho người lao động thấy rõ, đi lao động tại Hàn Quốc không chỉ vì nâng cao thu nhập cho bản thân mà còn góp phần xây dựng, củng cố tình đoàn kết giữa hai nước, góp phần nâng cao uy tín của Việt Nam đối với Hàn Quốc”.

Cũng tại Hội nghị, ông Hà Kim Ngọc, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao nhấn mạnh, để giải quyết tồn tại nói trên cần có thời gian, sự kiên quyết nhất quán, kiên trì, đồng bộ về chính sách, cũng như sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan của hai nước trên tinh thần hiểu biết và thông cảm lẫn nhau.

Khánh Nguyễn