📞

Hợp tác Mekong-Lan Thương: Đứng trước cơ hội bứt phá

An Sinh 10:48 | 16/08/2024
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao MLC lần thứ chín sẽ diễn ra tại Chiang Mai, Thái Lan (15-16/8), tập trung thảo luận tìm kiếm giải quyết các thách thức mà các nước tiểu vùng sông Mekong đang phải đối mặt, bao gồm phục hồi kinh tế và quản lý tài nguyên nước.
Chợ nổi Cái Răng Cần Thơ nằm trên một nhánh của dòng sông Hậu. (Nguồn: onetouchmedia.vn)

Cơ chế hợp tác Mekong-Lan Thương (MLC) chính thức hoạt động năm 2015, với sự tham gia của cả sáu nước ven sông Mekong là Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam, có mục tiêu bao trùm là thúc đẩy hợp tác toàn diện vì lợi ích chung của tiểu vùng, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của các nước thành viên.

Hình mẫu hợp tác đặc trưng

MLC ra đời đúng vào thời điểm vấn đề an ninh nguồn nước trở nên nóng bỏng, cấp thiết hơn bao giờ hết. Năm 2016 đánh dấu kỷ lục đáng buồn về hạn hán ở sông Mekong khi mực nước tại nhiều khu vực xuống thấp kỷ lục chưa từng thấy trong hàng chục, thậm chí cả trăm năm.

Vấn đề bảo đảm an ninh nguồn nước, tăng cường hợp tác trong quản lý dòng sông xuyên biên giới Mekong - Lan Thương là ưu tiên cao nhất của nhiều nước thành viên. Với sự tham gia của Trung Quốc, MLC được kỳ vọng tạo thêm diễn đàn đối thoại giữa các nước cùng chia sẻ và bảo vệ nguồn nước Mekong. Trên thực tế, cơ chế MLC với những lợi thế riêng, đã đem đến xung lực mới cho hợp tác hướng tới phát triển bền vững ở tiểu vùng.

Sau hơn 10 năm triển khai, MLC trở thành hình mẫu hợp tác đặc trưng và liên tục tiếp sức cho sự phát triển của khu vực, thúc đẩy hướng tới mục tiêu chung là củng cố lòng tin và hiểu biết lẫn nhau, duy trì hòa bình và ổn định; thúc đẩy phát triển bền vững, giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách phát triển, hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu; tăng cường tình hữu nghị và quan hệ láng giềng tốt giữa nhân dân các nước.

Trong bối cảnh lưu vực sông Mekong đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng do xu thế gia tăng hợp tác và phát triển khác nhau của mỗi nước trong khu vực; các siêu cường thế giới liên tục tăng cường ảnh hưởng tại các khu vực địa chính trị quan trọng; khuynh hướng tăng cường khai thác sử dụng nước và hiện tượng biến đổi khí hậu tác động rõ nét trên toàn lưu vực, cơ chế MLC được các bên đánh giá cao và chứng minh bằng chính các bước phát triển quan trọng trong thời gian qua.

Tại Hội nghị cấp cao MLC lần thứ tư (12/2023), các nước đều đánh giá MLC là một cơ chế hợp tác tiểu vùng tiêu biểu, phát triển năng động, thực chất, đạt kết quả tích cực trên nhiều mặt.

Trong đó, cơ chế hợp tác ngày càng hoàn thiện hơn với việc hình thành các nhóm công tác và các trung tâm hợp tác chuyên ngành; Nội dung hợp tác thực chất hơn, với nhiều dự án mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển hạ tầng đường bộ, đường sắt, tạo thuận lợi thương mại qua biên giới, nâng cao năng lực sản xuất, tăng cường hợp tác về nông nghiệp, quản lý nguồn nước và phòng chống dịch bệnh.

Các nước đánh giá cao Quỹ đặc biệt Mekong-Lan Thương hỗ trợ tài chính triển khai hơn 300 dự án tại sáu nước trong ba năm qua. Không chỉ các lĩnh vực truyền thống, phạm vi hợp tác MLC từng bước mở rộng sang các lĩnh vực mới, như hải quan, kinh tế số, hợp tác thực thi pháp luật, hợp tác hàng không, y học cổ truyền, di sản văn hóa, công tác dân tộc và tôn giáo, công nhận lẫn nhau về đo lường trong các lĩnh vực như y tế, năng lượng tái tạo, an toàn thực phẩm...

Lưu vực Mekong - Lan Thương là nơi cung cấp sinh kế của khoảng 75 triệu người. (Nguồn: iiasa.ac.at)

Triển vọng tương lai

Mekong-Lan Thương là một trong những lưu vực lớn nhất thế giới. Nền kinh tế của các quốc gia ven sông phụ thuộc vào các hệ sinh thái rừng, nông nghiệp, nước ngọt… theo nhiều cách khác nhau biển và vùng ven biển đang là nơi cung cấp sinh kế của khoảng 75 triệu người.

Một nghiên cứu mới của Viện Phân tích hệ thống ứng dụng quốc tế (IIASA) nhấn mạnh, hợp tác trong mở rộng và vận hành cơ sở hạ tầng ở lưu vực Mekong-Lan Thương có thể mang lại lợi ích kinh tế và môi trường. Tuy nhiên, qua quá trình phát triển cơ sở hạ tầng rộng lớn, lưu vực đang phải đối mặt với những thách thức lớn, đó là tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, va chạm lợi ích xuyên biên giới và cả sự đánh đổi giữa các mục tiêu kinh tế và lợi ích sinh thái.

Các nhà nghiên cứu IIASA rút ra một số kết luận quan trọng, trong đó nhấn mạnh “Hợp tác toàn diện giữa các quốc gia Mekong-Lan Thương, cùng giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường, có thể giúp vượt qua thách thức, đạt được nhiều lợi ích gia tăng hơn, ổn định hơn”.

Năm 2024, đánh dấu sự khởi đầu việc thực hiện Kế hoạch hành động năm năm lần thứ hai về LMC. Hợp tác kinh tế được các bên đánh giá có nhiều điều kiện mới để bứt tốc trong những năm tiếp theo.

Trên thực tế, tăng trưởng trong hợp tác kinh tế giữa các nước thành viên kể từ năm 2016 tương đối ấn tượng và các nước trong khuôn khổ MLC đều nằm trong nhóm các quốc gia tăng trưởng khá cao trên toàn cầu.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, đó chưa phải là giới hạn của các quốc gia bên dòng Mekong-Lan Thương. Có nhiều yếu tố quan trọng có thể đẩy cao hơn nữa tốc độ phát triển kinh tế của mỗi nước thành viên, bao gồm sự bùng nổ được báo trước của kinh tế kỹ thuật số, hợp tác tài chính bỏ qua khâu trung gian và quá trình đầu tư kết nối hệ thống cơ sở hạ tầng.

Trong bối cảnh đó, hợp tác chính trị, an ninh trong khuôn khổ MLC đang cho thấy một xu hướng phát triển tích cực và sâu sắc hơn. Trong thời gian tới, cùng với tiềm năng hợp tác kinh tế đạt được những bước tiến lớn và thực chất, sẽ không có lý do gì để các nước thành viên bỏ qua lợi ích lớn đang nằm trong tầm tay.

Chuyến tàu chở nông sản Trung Quốc-Việt Nam-Lào tại Cảng Đường sắt quốc tế Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc. (Nguồn: Tân Hoa xã)

“Cùng phát triển, cùng thắng”

Việt Nam đã tham gia tích cực vào MLC ngay từ quá trình thành lập và có nhiều đóng góp về nội dung, lĩnh vực hợp tác.

Việt Nam chủ động tham gia xây dựng các văn kiện quan trọng, mang tính định hướng hợp tác và đặc biệt là đưa được hợp tác nguồn nước trở thành một lĩnh vực ưu tiên của MLC. Các Bộ, ngành cơ bản đã tham gia vào hoạt động của các Nhóm công tác, đóng góp ý kiến xây dựng các tài liệu kế hoạch, định hướng hoạt động của từng Nhóm công tác.

Đến nay có 23 dự án của các bộ, ngành và địa phương của Việt Nam được Quỹ đặc biệt Mekong-Lan Thương phê duyệt, trong đó hai dự án đã hoàn thành, các dự án còn lại đang trong quá trình triển khai.

Đánh giá MLC còn nhiều điều kiện để bứt phá và việc tận dụng các cơ hội phát triển từ cơ chế hợp tác này là điều cần thiết, phát biểu tại Hội nghị cấp cao MLC lần thứ tư với chủ đề “Chung tay xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai và hiện đại hoá giữa các nước Mekong-Lan Thương” theo hình thức trực tuyến, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng: “Trước những chuyển đổi nhanh chóng và sâu sắc của kinh tế thế giới, để sáu nước Mekong-Lan Thương vươn lên mạnh mẽ, cần tư duy mới toàn diện hơn, cùng cách tiếp cận toàn dân, toàn khu vực, toàn cầu và giải pháp mới, quyết liệt, sáng tạo, đột phá”...

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh MLC đã trở thành cơ chế quan trọng gắn kết các nước Mekong và Trung Quốc, là hình mẫu hợp tác cùng phát triển và cùng thắng. Qua quá trình hình thành và phát triển, MLC đã đạt được những thành tựu nổi bật với ba nét lớn là: cơ chế hợp tác ngày càng hoàn thiện; nội dung ngày càng thực chất; tình hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân các nước ngày càng sâu sắc.

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng và sẽ tiếp tục cùng Trung Quốc và các nước Mekong thúc đẩy hợp tác Mekong-Lan Thương ngày càng phát triển mạnh mẽ, hiệu quả và bền vững. Với quan điểm như vậy, Thủ tướng đã đề xuất ba nội dung ưu tiên của MLC trong giai đoạn tới gồm:

Thứ nhất, xây dựng khu vực Mekong-Lan Thương hiện đại và phát triển, với phương châm là khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh của từng nước cũng như của cả sáu quốc gia; coi nội lực là cơ bản, chiến lược và ngoại lực là quan trọng, đột phá.

Thứ hai, xây dựng khu vực Mekong - Lan Thương xanh, bền vững và bao trùm, bảo đảm sự hài hoà giữa hiện tại và tương lai, giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường, lấy con người làm trung tâm, chủ thể, động lực, nguồn lực và mục tiêu phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Cuối cùng, nhằm xây dựng khu vực Mekong-Lan Thương hoà bình và hợp tác, các nước thành viên cần không ngừng củng cố sự tin cậy, chân thành, đoàn kết đồng lòng, thúc đẩy lợi ích chung và đề cao chủ nghĩa đa phương; tăng cường tính bổ trợ giữa hợp tác Mekong-Lan Thương với ASEAN và các cơ chế hợp tác khu vực, tiểu vùng khác để sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả nhất, tạo cộng hưởng và lan toả lợi ích.

Theo Bộ Ngoại giao Thái Lan, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao MLC lần thứ chín, dự kiến thông qua bốn văn bản, bao gồm: Dự thảo Thông cáo báo chí chung của Hội nghị; Dự thảo Sáng kiến về tăng cường hợp tác tài nguyên nước Mekong-Lan Thương; Dự thảo Tuyên bố chung về Sáng kiến không khí sạch Mekong-Lan Thương và Dự thảo Tuyên bố chung về Tăng cường hợp tác phòng chống tội phạm xuyên biên giới theo Khung hợp tác Mekong-Lan Thương.