Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, phát biểu tại Hội thảo 'Hợp tác nông nghiệp Việt Nam - châu Phi: Tăng cường kết nối, cùng phát triển bền vững'. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Trả lời phỏng vấn báo TG&VN bên lề Hội thảo trực tiếp và trực tuyến “Hợp tác nông nghiệp Việt Nam - châu Phi: Tăng cường kết nối, cùng phát triển bền vững” tại Hà Nội vừa qua, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), đánh giá tiềm năng, cung cấp thông tin về thị trường nông sản Việt Nam hiện nay và gợi mở phương hướng phối hợp giữa các bộ, ngành để nâng tầm hợp tác nông nghiệp Việt Nam-châu Phi.
Tiềm năng hợp tác
Việt Nam là quốc gia xuất khẩu nông sản đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 15 thế giới. Nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam đã đặt chân và có chỗ đứng tại châu Phi, đặc biệt là các sản phẩm lương thực như gạo, ngũ cốc...
Trong khi đó, với dân số gần 1,3 tỷ người, nhu cầu xuất nhập khẩu nông sản ngày càng tăng, châu Phi là thị trường tiềm năng và còn nhiều dư địa để phát triển, nhất là trong lĩnh vực thương mại, sản xuất và chế biến nông sản.
Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang châu Phi đạt gần 950 triệu USD, chiếm hơn 30% tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang khu vực này, với các mặt hàng chính là gạo, cà phê, thủy sản… Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu 1,4 tỷ USD hàng nông lâm thủy sản từ châu Phi, trong đó trên 80% là mặt hàng điều. |
Không những thế, cả Việt Nam và nhiều nước châu Phi đều xem nông nghiệp là lĩnh vực then chốt của nền kinh tế.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Toản đánh giá, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-châu Phi còn khiêm tốn vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, trong đó có khoảng cách địa lý, hạ tầng logistic, cơ chế thanh toán phục vụ cho thương mại nông sản…
Gia tăng giá trị nông sản
Theo Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, mặc dù chịu tác động lớn của đại dịch Covid-19, thiên tai,... nhưng toàn ngành nông nghiệp đã tập trung thực hiện cơ cấu lại theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, đặc biệt tại các thị trường trọng tâm đòi hỏi cao về chất lượng và các thị trường tiềm năng còn nhiều dư địa, trong đó bao gồm khu vực châu Phi.
Ông Nguyễn Quốc Toản nhận định, cần phải đặt địa vị vào từng đối tượng, từ người nông dân cho đến doanh nghiệp để nâng cao năng lực sản xuất, xuất khẩu, đưa sản phẩm của họ đến với thị trường, đặc biệt là những thị trường tiềm năng như châu Phi.
Hiện nay Việt Nam có khoảng 17.600 hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động theo Luật Hợp tác xã. Việt Nam muốn học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm cùng các nước châu Phi để đổi mới hình thức hoạt động hợp tác xã này, để xã viên được hưởng những quyền lợi tối đa, đồng thời yên tâm về mặt thị trường, nâng cao trình độ quản trị.
Tính đến hết tháng 6/2021, Việt Nam có khoảng 13.511 doanh nghiệp nông nghiệp. Đại diện Bộ NN&PTNT nhấn mạnh: “Muốn vươn ra biển lớn, ngoài những doanh nghiệp lớn mà người ta thường gọi là đại bàng còn cần có chim sẻ, tức là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chính vì vậy, cần quan tâm hơn đến các doanh nghiệp này trong hợp tác thương mại hai chiều giữa Việt Nam và các nước châu Phi”.
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, làm sao để các tập đoàn lớn của các nước châu Phi đầu tư vào khu vực, địa phương nông nghiệp của Việt Nam như Tây Nguyên, Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long,… và ngược lại, làm sao để các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư hiệu quả vào ngành nông nghiệp tại các quốc gia có truyền thống hợp tác ở châu Phi, là bài toán mà bản thân các doanh nghiệp Việt Nam cùng các bộ, ngành, địa phương cần tính toán.
Sản phẩm nông lâm thủy sản của Việt Nam không ngừng được nâng cao chất lượng. (Nguồn: Tổng Cục Thủy sản) |
Song song với đó, nông sản Việt Nam cũng cần không ngừng nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Được biết, hiện Bộ NN&PTNT đang xây dựng chương trình, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng, phát triển chuỗi giá trị nông lâm thủy sản giai đoạn 2021 - 2030”.
Đề án bao gồm quản lý chất lượng đáp ứng yêu cầu của thị trường; áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia; ứng dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, chuẩn hóa (VietGAP, Global GAP), phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ; phát triển chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp đảm bảo truy xuất nguồn gốc đáp ứng quy định của thị trường nhập khẩu; xây dựng chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
Với việc không ngừng được nâng cao chất lượng sản phẩm, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản kỳ vọng: “Chúng tôi mong muốn các đối tác châu Phi sẽ thấy được tiềm năng của nông sản Việt Nam và lựa chọn đầu tư để vừa đem đến thăng dư cho các bạn, vừa mang lại đến giá trị gia tăng cho nông sản Việt Nam trong thời gian tới”.
Chiến lược tổng thể, nội ứng ngoại hợp
Nhằm hiện thực hóa kỳ vọng, biến tiềm năng thành khả năng, ông Nguyễn Quốc Toản đưa ra một số vấn đề cần triển khai và kiến nghị các bộ, ngành.
Một là, đẩy mạnh công tác thông tin, dự báo thị trường, bảo đảm thực chất, hiệu quả. Đề cao trách nhiệm của các Cơ quan đại diện tại các nước châu Phi trong thực hiện nhiệm vụ cung cấp định kỳ, kịp thời thông tin về thị trường, giá cả, mùa vụ và sản lượng của các mặt hàng nông sản, những thay đổi trong chính sách thương mại của các nước, các rủi ro và cơ hội đối với từng thị trường.
Hai là, tạo lập kênh kết nối thông tin thị trường, các quy định, trao đổi định kỳ nhằm định hướng kế hoạch sản xuất đáp ứng các quy định, nhu cầu của thị trường xuất khẩu, trong đó bao gồm thị trường khu vực châu Phi.
Ba là, đề nghị Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ NN&PTNT, địa phương rà soát từng ngành hàng, mặt hàng; phân tích, đánh giá, dự báo xu hướng từng thị trường khu vực châu Phi để có giải pháp phù hợp thúc đẩy xuất, nhập khẩu, bảo đảm cân bằng, hài hòa lợi ích các bên, phát triển tổng thể thương mại quốc tế bền vững.
Ông Nguyễn Quốc Toản trao đổi với phóng viên TG&VN bên lề Hội thảo. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Bốn là, theo dõi, bám sát việc triển khai kế hoạch thực thi các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã được phê duyệt, đồng thời rà soát, đánh giá dư địa, tận dụng cơ hội từ các FTA đối với các mặt hàng, ngành hàng Việt Nam có thế mạnh để có các giải pháp thực hiện trọng tâm, trọng điểm trong thời gian tới.
Năm là, thực hiện cơ chế cảnh báo sớm về các vụ việc phòng vệ thương mại tại các thị trường xuất khẩu; hướng dẫn và đồng hành với doanh nghiệp trong ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại; khởi kiện các biện pháp phòng vệ, bảo hộ bất hợp lý.
Cuối cùng, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản kết luận rằng, châu Phi là một lục địa đa văn hóa với các nước nói tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Arab… nên Việt Nam cần nghiên cứu bài bản các tập quán trong thương mại nông sản, tập quán làm ăn, trong hợp tác đầu tư, kết hợp với một chiến lược bài bản, đồng bộ “nội ứng ngoại hợp” giữa các bộ, ngành, địa phương để đưa hợp tác nông nghiệp hai bên lên một tầm cao mới.
Ngày 9/9, Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổ chức quốc tế Pháp ngữ tổ chức Hội thảo trực tuyến “Hợp tác nông nghiệp Việt Nam - châu Phi: Tăng cường kết nối, cùng phát triển bền vững” nhằm trao đổi các biện pháp tăng cường hơn nữa hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và các quốc gia châu Phi. Tham dự Hội thảo có trên 500 đại biểu đại diện các bộ, ngành, ngân hàng, viện nghiên cứu, trường đại học, địa phương, doanh nghiệp Việt Nam và châu Phi, các Cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam và các nước châu Phi thường trú và kiêm nhiệm, một số tổ chức quốc tế và cơ quan phát triển… |