📞

Hợp tác quốc phòng ASEAN-Trung Quốc: Lòng tin là chìa khóa

Thu Trang 18:25 | 15/06/2021
Xây dựng lòng tin là cụm từ được nhắc đến nhiều nhất tại cuộc gặp không chính thức Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN-Trung Quốc diễn ra dưới hình thức trực tuyến ngày 15/6.
Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Phan Văn Giang tham dự Cuộc gặp không chính thức Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN-Trung Quốc ngày 15/6. (Nguồn: BQP)

Bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) lần thứ 15 và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ 8 diễn ra từ ngày 15-16/6, cuộc gặp không chính thức Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN-Trung Quốc được tổ chức dưới sự đồng chủ trì của Thiếu tướng Pehin Datu Lailaraja Dato Paduka Seri Haji Awang Halbi bin Haji Md Yussof, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thứ 2 của Brunei và Thượng tướng Ngụy Phượng Hòa, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc.

Tham dự cuộc gặp có Bộ trưởng Bộ Quốc phòng các nước ASEAN và Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi.

Đoàn Việt Nam do Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng làm trưởng đoàn, tham dự cuộc gặp. Tại điểm cầu Hà Nội còn có Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Hợp tác quốc phòng-an ninh trong chặng đường 30 năm

Phát biểu khai mạc, Thiếu tướng Pehin Datu Lailaraja Dato Paduka Seri Haji Awang Halbi bin Haji Md Yussof chào mừng các đại biểu tham dự cuộc gặp không chính thức giữa ASEAN với một trong những đối tác lâu năm của Hiệp hội là Trung Quốc.

Cho dù phải tổ chức theo hình thức trực tuyến do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, song Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thứ 2 của Brunei cho rằng cuộc gặp chính là một minh chứng cho mối quan hệ hữu nghị cũng như quyết tâm của ASEAN và Trung Quốc “cùng quan tâm, chuẩn bị và thịnh vượng, nhất là trong thời điểm khó khăn hiện nay”.

Cuộc gặp không chính thức diễn ra trong bối cảnh ASEAN và Trung Quốc kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ đối thoại (1991-2021).

Thượng tướng Ngụy Phượng Hòa, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc phát biểu tại cuộc gặp. (Nguồn: BQP)

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thứ 2 của Brunei cho biết vào ngày 7/6 vừa qua, tại thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc, Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc đã nhìn lại những thành tựu và bước phát triển của 30 năm quan hệ đối thoại; bày tỏ tin tưởng rằng ASEAN và Trung Quốc sẽ cùng nhau tìm ra các cách thức sáng tạo để tiếp tục duy trì, thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thứ 2 của Brunei nêu rõ đại dịch Covid-19 tiếp tục là phép thử cho sự kiên trì thúc đẩy hợp tác khu vực và chỉ có cùng nhau hợp tác, các nước mới vượt qua được đại dịch cũng như các thách thức an ninh trong khu vực.

Tại cuộc gặp, các đại biểu điểm lại những thành tựu và kinh nghiệm thành công của hợp tác quốc phòng ASEAN-Trung Quốc; đề xuất nội dung hợp tác quốc phòng nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ đối thoại ASEAN-Trung Quốc, đồng thời trao đổi quan điểm về tình hình quốc tế và khu vực cùng quan tâm.

Tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau

Phát biểu tại cuộc gặp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác ASEAN-Trung Quốc vì hòa bình, ổn định khu vực. Đồng thời, ông cũng đánh giá cao vai trò của Trung Quốc và hợp tác quốc phòng-an ninh giữa ASEAN với Trung Quốc thời gian qua, đặc biệt trong khuôn khổ ADMM+ và Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF).

Cuộc gặp diễn ra bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) lần thứ 15 và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ 8. (Nguồn: BQP)

Bên cạnh đó, Trưởng đoàn Việt Nam cũng bày tỏ ủng hộ đối với các đề xuất của Trung Quốc hướng tới tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, xây dựng lòng tin, cụ thể là Giao lưu sĩ quan trẻ, sĩ quan trung cấp và Giao lưu các Viện nghiên cứu quốc phòng ASEAN-Trung Quốc; hưởng ứng việc thiết lập đường dây nóng giữa Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN và Trung Quốc trên nền tảng Cơ sở hạ tầng liên lạc trực tiếp ASEAN.

Về vấn đề Biển Đông, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đề nghị các bên cần tạo môi trường thuận lợi cho việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), nhất là thông qua các biện pháp xây dựng lòng tin, kiềm chế các hành động, tránh làm phức tạp tình hình, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).