Đó là nội dung chính mà Trưởng đại diện văn phòng UNESCO tại Hà Nội Michael Croft chia sẻ tại Hội nghị Tổng kết hoạt động của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Năm năm 2018 và phương hướng năm 2019 diễn ra tại Hà Nội, ngày 17/1. Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung chủ trì Hội nghị.
Hợp tác chiều sâu
Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Hoài Trung khẳng định: “Ngay từ đầu năm 2018, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội đã xây dựng một chiến lược hợp tác với Việt Nam, trong đó nhất trí với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam phát huy thêm những thế mạnh khác của UNESCO, bên cạnh văn hóa, di sản là giáo dục và khoa học tự nhiên cũng như khoa học xã hội”.
Chủ tịch UBQG UNESCO Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung chủ trì hội nghị. (Ảnh: Chu Thu Phương) |
Tại hội nghị, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, ông Michael Croft cho biết, văn phòng đang gặp khó khăn về tài chính, hiện không có ngân sách hay nhân sự cho các mảng thông tin truyền thông cũng như khoa học tự nhiên và xã hội. Tuy nhiên, ông tin tưởng rằng, với sự hỗ trợ của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, các tiểu ban và cơ quan Bộ, ban, ngành có liên quan của Việt Nam, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội có thể vượt qua những khó khăn của mình và tiếp tục hợp tác với Việt Nam đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn.
Theo ông Michael Croft, hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD-ĐT) và Văn phòng UNESCO đang cùng thực hiện Dự án xây dựng bộ chỉ số đánh giá về giáo dục của Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc tế, góp phần phân tích, đánh giá điểm mạnh, yếu của hệ thống giáo dục của Việt Nam hiện nay, từ đó giúp tham mưu, kiến nghị chính sách hiệu quả hơn với công tác giáo dục, đào tạo ở tất cả các cấp. Bộ GD-ĐT đã nhận đăng cai tổ chức Diễn đàn quốc tế về Giáo dục công dân toàn cầu và phát triển bền vững vào năm 2019. Diễn đàn là một hoạt động lớn, dự kiến sẽ quy tụ hơn 200 nhà nghiên cứu và quản lý trong lĩnh vực giáo dục để trao đổi về nhiều vấn đề mang tính thời sự và gắn với các vấn đề Việt Nam đang quan tâm.
Tám phương hướng trọng tâm trong công tác năm 2019
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra những khó khăn cũng như những mặt còn hạn chế trong hoạt động của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam năm 2018, từ đó đã rút ra 8 phương hướng hoạt động cụ thể trong năm 2019 như sau:
Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: Chu Thu Phương) |
Một là, trên cơ sở thực hiện chủ trương chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, đẩy mạnh tham gia, đóng góp tích cực vào việc cải cách và triển khai hoạt động thực tiễn của UNESCO, tiếp tục nâng cao, phát huy hình ảnh, vị thế và vai trò của Việt Nam tại các diễn đàn của UNESCO, qua đó thúc đẩy và bảo vệ các lợi ích quốc gia.
Hai là, tiếp tục phát huy vai trò của Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, nhất là vai trò điều phối, hỗ trợ, giám sát các hoạt động của các tiểu ban, tiểu ban chuyên môn, các địa phương trong khuôn khổ hợp tác với UNESCO; phát huy vai trò và đóng góp tích cực của các Bộ, ngành và địa phương đối với công tác UNESCO.
Bà là, tiếp tục củng cố và phát triển quan hệ đang rất tốt đẹp giữa Việt Nam và UNESCO; Tăng cường phối hợp giữa Ủy ban Quốc gia, các tiểu ban, các Bộ, ngành, địa phương với UNESCO và Văn phòng UNESCO tại Hà Nội trong việc xây dựng, thực hiện các kế hoạch hợp tác.
Bốn là, nghiên cứu, xây dựng kế hoạch dài hạn ứng cử vào các cơ chế khác nhau của UNESCO đồng thời tiếp tục có kế hoạch bồi dưỡng, chuẩn bị đưa người vào các vị trí quan trọng của tổ chức UNESCO, ứng cử một số vị trí tại các cơ quan chuyên môn của Tổ chức.
Năm là, tiếp tục tận dụng ý tưởng, chất xám của UNESCO phục vụ phát triển đất nước, nhất là trên lĩnh vực giáo dục, khoa học tự nhiên, văn hóa.
Sáu là, theo dõi sát và sẵn sàng tham gia đấu tranh bằng biện pháp, hình thức phù hợp về dân chủ nhân quyền và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo, theo dõi diễn biến về việc một số nước có thể lồng ghép các vấn đề chính trị trong lĩnh vực chuyên môn của UNESCO để tham mưu đối sách kịp thời.
Bảy là, củng cố bộ máy với việc kiện toàn bộ máy các tiểu ban, Ban thư ký; hoàn thiện quy chế hoạt động của tiểu ban chuyên môn chương trình Con người và Sinh quyển (MAB), tiểu ban chuyên môn chương trình ký ức thế giới (MOW), thành lập tiểu ban chuyên môn quản lý biến đổi xã hội (MOST), thuộc tiểu ban khoa học xã hội.
Tám là, đi sâu triển khai tốt các dự án, hoạt động trọng tâm thuộc các lĩnh vực giáo dục, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, văn hóa và thông tin truyền thông.