📞

Hợp tác Việt Nam – Trung Đông - châu Phi: Nối dài những triển vọng

19:51 | 20/10/2015
Ngày 20/10, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã tổ chức Hội thảo Triển vọng hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với các nước Trung Đông - châu Phi.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Quang Hòa)

Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của hơn 150 đại biểu đến từ các nước Trung Đông - châu Phi, trong đó có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn của các quốc gia Trung Đông, Việt Nam, Algerie, Uganda, Ai Cập, Qatar… Cùng tham dự Hội thảo có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Vũ Hồng Nam, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Victoria Kwawa, các vị đại sứ, đại biện, đại diện ngoại giao các nước thuộc khu vực Trung Đông - châu Phi tại Việt Nam và các tổ chức quốc tế.

Phát biểu tại phiên Khai mạc Hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá cao ý nghĩa của Hội thảo trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước Trung Đông, châu Phi, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư. Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với tất cả các quốc gia thuộc khu vực Trung Đông, 52/55 quốc gia châu Phi và đang tích cực thúc đẩy để sớm ký thỏa thuận thiết lập quan hệ ngoại giao với ba nước châu Phi còn lại (Malawi, Liberia và Nam Sudan). Việt Nam hiện có 17 cơ quan đại diện ngoại giao tại khu vực và 19 nước khu vực đã mở cơ quan đại diện tại Hà Nội. Hai bên đã ký kết nhiều văn kiện pháp lý hợp tác quan trọng, đồng thời, tích cực trao đổi đoàn các cấp nhằm tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau.

Toàn cảnh Hội thảo.
Trong 10 năm qua, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và khu vực Trung Đông - châu Phi đã tăng gấp 8 lần, từ 2 tỷ USD năm 2005 lên 15,7 tỷ USD năm 2014. Tính riêng 7 tháng đầu năm 2015, kim ngạch thương mại hai bên đạt 8,7 tỷ USD. Nhiều doanh nghiệp từ khu vực này đã tham gia vào các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực dầu khí, cảng biển, công nghiệp và các lĩnh vực quan trọng khác của Việt Nam như Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn, Tổ hợp hóa dầu Long Sơn, Cảng container Hiệp Phước tại Tp. Hồ Chí Minh, Nhà máy thép tiền chế Zamil Steel...

Đồng thời, nhiều nhà đầu tư Việt Nam thành công đã thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường đầu tư tại khu vực như: dự án liên doanh thăm dò khai thác dầu khí của Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam tại Algeria; các dự án viễn thông của Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel tại Mozambique, Cameroon và mới đây nhất là Tanzania. Bên cạnh đó, hợp tác xuất khẩu lao động với các nước Trung Đông, hợp tác chuyên gia y tế, nông nghiệp, giáo dục… với các nước châu Phi cũng là những mảng sáng trong quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và các nước Trung Đông - châu Phi.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.
Dù các kết quả trên đóng vai trò hết sức quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước Trung Đông, châu Phi, nhưng hầu hết các chuyên gia tham dự Hội thảo đều khẳng định, các quan hệ này còn quá khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng vốn có và mong muốn của các bên. Chẳng hạn, ở khu vực Trung Đông, Vụ trưởng vụ thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á, Bộ Công Thương Trần Quang Huy cho rằng, nhiều quỹ đầu tư tài chính rất lớn của các nước Trung Đông chưa thực sự quan tâm đến tiềm năng của Việt Nam. Ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa tích cực khai thác tiềm năng hợp tác với các đối tác Trung Đông. Theo ông Quang Huy, bên cạnh nguyên nhân khách quan thì nguyên nhân chủ yếu là do thiếu thông tin giữa cộng đồng doanh nghiệp hai phía, sự hiểu biết lẫn nhau giữa các đối tác còn hạn chế, công tác xúc tiến thương mại chưa đủ mạnh…

Cũng nói về tiềm năng hợp tác, bà Victoria Kwawa thẳng thắn đề cập tới vai trò của Trung Quốc tại các nước châu Phi. Bà Kwawa khẳng định, đúng là Trung Quốc hiện giữ vai trò rất lớn về thương mại và đầu tư với các nước khu vực này, tuy nhiên, không phải như vậy là không còn cơ hội nào. “Hiện nay, châu Phi còn để ngỏ rất nhiều cơ hội cho tất cả các quốc gia, các ngành,… Tuy nhiên, điều quyết định thắng bại của bất kỳ đối tác nào là cách tiếp cận”, bà Victoria Kwawa nói.

Trước thực trạng này, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định: “Chính phủ Việt Nam cam kết luôn tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và các nước khu vực Trung Đông – châu Phi nói riêng trong việc đầu tư, kinh doanh lâu dài tại Việt Nam. Đồng thời, Chính phủ Việt Nam mong muốn các nước Trung Đông - châu Phi tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường hợp tác, đầu tư tại khu vực, địa bàn có vị trí địa chiến lược quan trọng, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, diện tích rộng trên 36 triệu km2, dân số gần 1,5 tỷ người, một thị trường đầy tiềm năng trong hợp tác, đầu tư và cùng nhau phát triển”.

Với ba phiên thảo luận chính về các vấn đề và các khu vực quan trọng như Nam Sahara, Trung Đông – Bắc Phi, Hội thảo đã tạo thêm một không gian mở để các bên cập nhật những đánh giá về triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam và khu vực Trung Đông - châu Phi, rà soát thực trạng hợp tác giữa Việt Nam và các nước trong khu vực hiện nay. Đây cũng là cơ hội để các bên trao đổi các kinh nghiệm hợp tác và thảo luận, tìm hướng đi hiệu quả, thiết thực cho thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam với khu vực trong thời gian tới. Hội thảo lần này còn mở ra cơ hội để các doanh nghiệp, tập đoàn của Việt Nam và các nước trong khu vực gặp gỡ, tìm hiểu và thiết lập quan hệ, đặt nền móng cho triển vọng hợp tác sau này.

Minh AnhẢnh: Quang Hòa