📞

Hun đúc lòng yêu nước của kiều bào

14:00 | 08/02/2019
Vị thế và uy tín ngày càng tăng của Việt Nam trên trường quốc tế không chỉ tạo dựng niềm tin đối với người dân trong nước và hơn 4,5 triệu kiều bào ở nước ngoài, mà còn là minh chứng rõ nét khẳng định đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Nhà nước về quyết tâm đưa đất nước đổi mới, hội nhập và phát triển mạnh mẽ hơn trong Kỷ nguyên mới.

Sự thay đổi tích cực, nhanh chóng của Việt Nam thời gian qua không thể không ghi nhận sự đóng góp ý nghĩa của đội ngũ kiều bào đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Trong các chương trình gặp mặt kiều bào hàng năm của Chính phủ hay tại các địa phương như TP. HCM…, những đóng góp của kiều bào luôn được ghi nhận và đánh giá cao.

Cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng đã từng khẳng định: Kiều bào là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. Tiềm năng của Việt Nam có ở khắp nơi trên thế giới với một đội ngũ đông đảo kiều bào là những chuyên gia, trí thức. Họ có điều kiện tiếp cận nhanh nhất với các công nghệ tiên tiến và tri thức tiến bộ; là nhân tố không thể thiếu, góp phần đưa hình ảnh Việt Nam đến với bạn bè quốc tế”.

Phó Chủ tịch UBND TP. HCM Trần Vĩnh Tuyến trao đổi cùng kiều bào tại sự kiện do UBVNNONN TP. HCM tổ chức gần đây. (Ảnh: Bảo Lan)

Những khát vọng ngời sáng

Những năm qua, Chính phủ Việt Nam không ngừng đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế và nỗ lực thúc đẩy các vấn đề đối ngoại. Điều đó đã mang lại hiệu quả tích cực trong quá trình hướng tới mục tiêu xây dựng “Một Chính phủ, một Nhà nước kiến tạo”. Từ đó, góp phần nâng cao và củng cố niềm tin của người dân trong nước và của cộng đồng kiều bào đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Các hội thảo hay sự kiện gặp mặt kiều bào được các cơ quan, chính quyền như Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài (UBVNVNONN), Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, UBND TP. HCM… tổ chức thường xuyên, cũng đã nhận được sự quan tâm của đông đảo kiều bào, có sự kiện thu hút tới 1.000 kiều bào thuộc nhiều tầng lớp tham dự.

Họ không chỉ tự hào trước sự đổi thay nhanh chóng của đất nước, mà còn mong muốn được đóng góp nhiều hơn nữa cho công cuộc kiến thiết đất nước, trong đó có không ít kiều bào là thế hệ F2 được sinh ra và lớn lên ở nước ngoài.

Bên cạnh niềm vui, nhiều kiều bào vẫn còn quan ngại một số vấn đề như việc thẩm quyền chồng chéo, các chính sách còn thiếu tầm nhìn dài hạn hay một số chính sách đối ngoại vẫn chưa phát huy hiệu quả... Điều đó khiến nhiều kiều bào vẫn còn ngần ngại. Nhiều kiều bào cũng đã mạnh dạn đề xuất những giải pháp mang tính đột phá nhưng vẫn phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.

Theo kiều bào Dương Minh Chánh (Hoa Kỳ) hoạt động trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, nhằm thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư là kiều bào, Chính phủ cần có những chính sách, cơ chế thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, các công trình nghiên cứu ứng dụng công nghệ số… để tránh tình trạng “chảy máu” chất xám mà Việt Nam đang sở hữu. Đó là những du học sinh, kiều bào trí thức.

Một số kiều bào khác như GS. Nguyễn Đức Khương (Pháp), Nguyễn Như Khuê (Đức), Danny Võ Thành Đăng và Tony Lâm (Mỹ)… đều cho rằng Việt Nam là đất nước có nền văn hóa giao thoa của nhiều quốc gia và phát triển theo dòng chảy của lịch sử Việt Nam - đó chính là cơ hội để “Mơ xa, nghĩ lớn và hành động khôn ngoan”, cũng chính là mục tiêu để Việt Nam nghĩ đến khi tham gia vào tiến trình hội nhập quốc tế. “Tuy nhiên, có thực trạng ở Việt Nam là một số Bộ, ngành, địa phương vẫn còn thái độ ứng xử trì trệ, tạo những rào cản không đáng có, khiến khao khát cống hiến của chúng tôi nhụt chí và nản lòng”, ông Nguyễn Như Khuê tâm sự.

Kiều bào Hồng (Australia) đưa ra một số ví dụ về vụ kiện chống bán phá giá hàng hóa của Việt Nam bị thua. Thậm chí, hàng hóa của Việt Nam nhập khẩu đến nước sở tại vẫn có thể bị trả về như các loại hàng nông sản: gạo, trái cây, tôm, cá basa...  Vì vậy, “Việt Nam cần phải chuẩn bị đội ngũ tư vấn pháp lý đủ mạnh cho vấn đề hội nhập quốc tế. Chính phủ phải là đầu mối, hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận và chọn lựa thị trường bổ sung để có thể thay thế”. 

Bên cạnh đó, những kiến nghị về giải pháp như Việt Nam cần “cởi trói” đầu tư, mở cửa cho doanh nghiệp tư nhân được phát triển, tạo ra cán cân công bằng giữa khối doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước, giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng được các kiều bào nêu ra. Bởi hiện tại, nhiều doanh nghiệp nhà nước được ví như “quả đấm thép” nhưng đang hoạt động kém và không hiệu quả mà vẫn được ưu ái, làm cho nền kinh tế không phát triển, lại càng bị kìm hãm nhiều hơn.

Rõ ràng, đội ngũ kiều bào đã không chỉ đóng góp tiền bạc, mà còn đem chất xám, những tinh hoa và khoa học - công nghệ để áp dụng tại Việt Nam, như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong mỏi: “Cộng đồng kiều bào hãy tiếp tục sống cho thật xứng đáng là con Lạc cháu Hồng và tiếp tục đem trí tuệ, kiến thức và kinh nghiệm của mình, chung tay cùng nhân dân cả nước xây dựng một Việt Nam giàu mạnh, góp phần đưa Việt Nam hội nhập thành công”.

Công tác đối ngoại như “xương sống” trong cơ thể

Một đất nước như một cơ thể, càng lớn càng đòi hỏi những nhu cầu cho sự phát triển cả về chất và lượng. Đất nước càng hội nhập, vai trò của công tác đối ngoại được ví như “xương sống” trong cơ thể, xương sống cứng cáp thì cơ thể mới phát triển khỏe mạnh. Do đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh yêu cầu: “Cán bộ ngoại giao phải vừa hồng, vừa chuyên”.

Thủ tướng cũng đã đặt ra yêu cầu đối với các cán bộ ngoại giao gánh vác sứ mệnh “đem chuông đi đánh xứ người” là những người có nhiều cơ hội được tiếp cận với các nền khoa học hiện đại, các phương pháp quản lý tiên tiến. Vì vậy, mỗi cán bộ ngoại giao phải là những người tiên phong trong đổi mới tư duy, nhạy bén hơn nữa và có nhiều sáng kiến mới, những ý tưởng hay để chống trì trệ, cản trở sự phát triển đất nước.

Thật vậy, đất nước phát triển, càng không thể phủ nhận vai trò tích cực của các nhân tố làm công tác ngoại giao. Việc tổ chức thành công các hội nghị như Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, Diễn đàn WEF ASEAN 2018, các chuyến thăm song và đa phương cấp cao… càng khẳng định mạnh mẽ thành công của đội ngũ làm công tác ngoại giao. Bởi điều đó sẽ xây dựng lòng tin và khơi gợi mạnh mẽ niềm tự hào dân tộc đối với người dân trong nước, cũng như đội ngũ kiều bào, đồng thời khẳng định với bạn bè quốc tế về một Việt Nam đang không ngừng đổi mới và hội nhập sâu rộng vào sân chơi toàn cầu.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, những thành quả đó vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng mà Việt Nam đang có. Do vậy, Thủ tướng đề nghị các cán bộ ngoại giao phải có cuộc kiểm điểm việc những hiệp định, văn bản đã ký kết được thực hiện đến đâu, “chứ không phải đi, về, biết rồi để đó...”.

“Muốn xây dựng đất nước phát triển, việc đảm bảo hòa bình, ổn định về chính trị, an ninh là yêu cầu cực kỳ quan trọng. Đồng thời, cán bộ ngoại giao ở nước ngoài phải gương mẫu, là tấm gương, đừng để những việc tai tiếng xấu, ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước. Đừng để nước ta mất niềm tin với các đối tác, trong đó có cộng đồng kiều bào. Theo tinh thần đó, chúng ta phải thực hiện tốt chủ trương Việt Nam vừa là bạn vừa là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Các nhà ngoại giao, cơ quan ngoại giao không chỉ giúp chính quyền, người dân, cộng đồng doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là đội ngũ kiều bào, hiểu về đất nước để cùng đem trí tuệ, kiến thức và kinh nghiệm của mình, chung tay xây dựng một Việt Nam giàu mạnh, có vị trí xứng đáng trên trường quốc tế, mà còn là cầu nối để đưa hàng hóa và thương hiệu Việt ra thế giới. Đây vừa là vinh dự vừa là trách nhiệm và cũng là công tác đòi hỏi lâu dài và bền bỉ.

Trải qua hơn 40 năm thống nhất, người dân cả nước, và đặc biệt là cộng đồng kiều bào, đang được chứng kiến sự thay đổi tích cực, nhanh chóng của đất nước. Điều đó càng khẳng định rõ ràng: Những nỗ lực của Chính phủ đang không ngừng mang đến cho cộng đồng kiều bào cái nhìn đúng hơn về đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, phấn đấu xây dựng một nhà nước dân chủ, do dân, vì dân và của dân.

Đúng như khẳng định của Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Thiện Nhân tại Hội nghị kiều bào do UBVNVNONN tổ chức: “Sự ủng hộ, chung tay góp sức của đồng bào ngoài nước sẽ sớm đưa Việt Nam cất cánh trở thành điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư quốc tế, cũng như là lựa chọn quay về với chính nơi “chôn nhau, cắt rốn” của cộng đồng kiều bào đã bao năm sống xa Tổ quốc”.