📞

Hungary: "Lời từ chối" người di cư không có giá trị

15:33 | 03/10/2016
Cuộc trưng cầu ý dân ngày 2/10 về kế hoạch tiếp nhận người di cư theo hạn ngạch bắt buộc của Liên minh châu Âu (EU) không có giá trị pháp lý do số người đi bỏ phiếu chưa đạt mức tối thiểu 50%. 

Thông báo của Ủy ban bầu cử Hungary cho biết, mặc dù có tới 98,2% cử tri phản đối kế hoạch tiếp nhận người di cư theo phân bổ của EU, song chỉ có 3,8 triệu trong số 8 triệu cử tri đủ tư cách đi bỏ phiếu, chưa đủ tỷ lệ tối thiểu 50% (khoảng 4 triệu cử tri đi bỏ phiếu).

Thủ thướng Hungary Viktor Orban phát biểu tại Budapest (Hungary) ngày 2/10. (Nguồn: AP)

Ngay sau thông báo trên, phe đối lập tại Hungary đã kêu gọi Thủ thướng Hungary Viktor Orban từ chức, cáo buộc ông quá vội vã tiến hành cuộc trưng cầu ý dân khi số người xin tị nạn tại Hungary không nhiều. Mặc dù vậy, người đứng đầu phe đối lập cho biết sẽ làm rõ vấn đề này để EU hiểu rằng không thể làm ngơ trước mong muốn của cử tri Hungary. 

Cùng với Hungary, Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz tuyên bố EU nên ngừng việc áp đặt kế hoạch tiếp nhận người di cư theo hạn ngạch đối với các nước thành viên, đồng thời cho rằng mục đích này hoàn toàn không thực tế. Phát biểu với nhật báo Welt am Sonntag (Đức), ông Kurz cảnh báo rằng mọi bất đồng về kế hoạch này có thể đe dọa tính đoàn kết trên toàn EU.

Người tị nạn từ Serbia phải vượt qua rất nhiều rào chắn để vào Hungary. (Nguồn: NY Times)

Để giải quyết cuộc khủng hoảng di cư tại châu Âu, tháng 9/2015, các nước EU đã thỏa thuận giảm tải cho Hy Lạp và Italy, nơi tập trung phần lớn người tị nạn từ Bắc Phi và Trung Đông, theo đó EC quyết định phân bổ 160.000 người tị nạn sang nhiều nước EU. Tuy nhiên, Áo, Đan Mạch, Ba Lan và Hungary phản đối hạn ngạch trên và không nhận một người tị nạn nào theo sự phân bổ trên mặc dù đã qua một nửa trong thời hạn hai năm. 

Theo quyết định của EC, Hungary phải nhận 1.294 người tị nạn. Con số này quá ít nếu so với 400.000 người đã vào châu Âu qua lãnh thổ Hungary vào năm 2015. Nhưng đối với Thủ tướng Viktor Orban vấn đề không phải ít hay nhiều mà là ở sự áp đặt. 

Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz. (Nguồn: Europarl)

Cũng trong ngày 2/10, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz đã chỉ trích cuộc trưng cầu ý dân ở Hungary. Trả lời phỏng vấn báo chí Đức, ông nhấn mạnh việc tổ chức trưng cầu ý dân về vấn đề này là "trò chơi nguy hiểm" bởi nó đặt nghi vấn về tính hợp pháp của luật pháp EU. Ông cũng nêu vấn đề trừng phạt kinh tế đối với các quốc gia thành viên EU từ chối thực hiện các cam kết chung của khối. Tuy nhiên, ông Schulz không đồng tình với ý kiến trục xuất Hungary ra khỏi EU theo đề nghị của Bộ trưởng Ngoại giao Luxembourg Jean Asselborn.

Năm 2015, hơn 400.000 người tị nạn đã đi bộ qua Hungary để tới Bắc Âu trước khi Hungary đóng cửa biên giới phía Nam bằng các hàng rào dây kẽm mùa Thu năm 2015 và thông qua luật chống người nhập cư nhằm giảm thiểu dòng người tị nạn đổ về đây. Các quốc gia khác dọc tuyến đường Balkan cũng theo gương Hungary, khiến khoảng 60.000 người di cư bị "mắc kẹt" ở Hy Lạp.
(theo The Guardian, DW)