Thủ tướng Hungary Viktor Orban đang nỗ lực thực hiện cái gọi là 'sứ mệnh hòa bình' đối với Ukraine. (nguồn: Getty Images) |
Hãng tin RIA dẫn lời ông Szijjarto nhấn mạnh: “Các nỗ lực đang được thực hiện để tổ chức vòng tiếp theo của hội nghị về hòa bình cho Ukraine trong năm nay, chúng tôi chắc chắn sẽ hoan nghênh và đánh giá cao hội nghị này…"
Người đứng đầu ngành ngoại giao Hungary bày tỏ tin tưởng rằng, nếu hy vọng vào thành công của bất kỳ hội nghị hòa bình nào trong tương lai, chúng ta cần đảm bảo rằng "cả hai bên đều được tham dự”.
Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên về hòa bình cho Ukraine đã diễn ra tại khu nghỉ dưỡng Burgenstock của Thụy Sỹ với sự góp mặt của các đại diện đến từ hơn 90 quốc gia, song một bên liên quan là Nga không tham dự.
Trong khi đó, hãng thông tấn MTI của Hungary ngày 16/7 đưa tin, ông Levente Magyar, Trợ lý Ngoại trưởng Hungary, đã có chuyến thăm Mỹ và thảo luận với người đồng cấp nước chủ nhà James O’Brien về sáng kiến hòa bình của Thủ tướng Orban.
Ngoài ra, một nguồn tin của Liên minh châu Âu (EU) cho hay, ông Orban có thể bắt đầu thảo luận về sáng kiến này tại Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng chính trị châu Âu, diễn ra ở Anh trong 2 ngày 17-18/7, cũng như công khai đưa ra đề xuất thảo luận các sáng kiến khác ngoài “công thức hòa bình” của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Ông Balázs Orbán, cố vấn chính trị của Thủ tướng Orban cho biết, Budapest sẽ sử dụng toàn bộ nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng EU của nước này “để tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán hòa bình” và xem xét "các sáng kiến chính trị".
Các động thái trên diễn ra trong bối cảnh ông Orban vừa có loạt chuyến thăm đến Ukraine, Nga và Trung Quốc để gặp các nhà lãnh đạo của 3 quốc gia này, trong chuyến đi mà ông mô tả là "sứ mệnh hòa bình". Ông Orban cũng đến Mỹ và gặp ứng cử viên tổng thống Donald Trump.
Các chuyến đi diễn ra ngay sau khi Hungary đảm nhiệm vị trí Chủ tịch luân phiên của Hội đồng EU trong 6 tháng từ 1/7, khiến các nước thành viên phản đối, cho rằng, ông Orban không có thẩm quyền đàm phán về xung đột thay mặt liên minh.
Sau các chuyến thăm, ông Orban đã đưa ra sáng kiến hòa bình trên và gửi tới các nhà lãnh đạo của EU. Sáng kiến này đề xuất khôi phục quan hệ ngoại giao với Nga và tổ chức đàm phán với Trung Quốc về một hội nghị hòa bình nhằm giải quyết xung đột ở Ukraine.
Tuy nhiên, đề xuất này của ông Orban đã vấp phải sự phản đối của người đứng đầu Hội đồng châu Âu Charles Michel với lý do “không thể tổ chức đàm phán về hòa bình ở Ukraine mà không có nước này”.
Hãng tin Reuters trích dẫn nội dung một bức thư mà ông Michel gửi ông Orban nói rằng, chính sách tăng cường cung cấp vũ khí cho Kiev của EU “không phải là chính sách chiến tranh mà hoàn toàn ngược lại”. Ngoài ra, Chủ tịch Hội đồng châu Âu còn khẳng định EU đang tìm cách “rút quân Nga khỏi Ukraine”.