Các đại biểu chính thức ra mắt Hướng dẫn ASEAN về tăng cường quyền năng cho phụ nữ và trẻ em. (Ảnh: Phạm Hằng) |
Ngày 28/3 tại Quảng Ninh, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), đại diện Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tổ chức Hội thảo quốc tế kết hợp trực tiếp và trực tuyến triển khai Hướng dẫn ASEAN về tăng cường quyền năng cho phụ nữ và trẻ em: Cung cấp các dịch vụ công tác xã hội có chất lượng cho những người có nguy cơ hoặc bị ảnh hưởng bởi bảo lực.
Hội thảo có sự tham gia của Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà, Trưởng đại diện UNFPA Matt Jackson, Trưởng đại diện UNICEF Rana Flowers, Trưởng Đại diện của UN Women tại Việt Nam Caroline T. Nyamayemombe, Quyền tham tán phát triển Đại sứ quán Australia Majdie Hordern, đại diện Ủy ban ASEAN về Thúc đẩy và Bảo vệ quyền của Phụ nữ và Trẻ em (ACWC) của các nước ASEAN cùng đại biểu từ nhiều tỉnh thành của Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà đã nhấn mạnh quá trình để có được Hướng dẫn ASEAN về tăng cường quyền năng cho phụ nữ và trẻ em. Theo đó, sau khi Tuyên bố Hà Nội về Thúc đẩy công tác xã hội hướng tới Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng được các Lãnh đạo cấp cao ASEAN thông qua vào năm 2020, Lộ trình thực hiện Tuyên bố tiếp tục được các Lãnh đạo ASEAN ghi nhận vào năm 2021. Điều này đã khẳng định cam kết của ASEAN trong việc đầu tư thúc đẩy và tăng cường vai trò của công tác xã hội, trong đó có nâng cao năng lực cho nhân viên công tác xã hội trong Cộng đồng ASEAN.
Với 7 lĩnh vực ưu tiên nhằm hiện thực hóa 11 cam kết của Lãnh đạo ASEAN, Lộ trình thực hiện Tuyên bố Hà Nội có ý nghĩa rất lớn đối với các nước thành viên ASEAN trong bối cảnh thực trạng công tác xã hội hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương trong bối cảnh mới của đại dịch, già hóa dân số và biến đổi khí hậu.
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà phát biểu khai mạc Hội thảo. (Ảnh: Phạm Hằng) |
Theo Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà, trong khuôn khổ Kế hoạch công tác của Hiệp hội Nghề Công tác xã hội ASEAN giai đoạn 2021-2025 và Lộ trình thực cùa Tuyên bố, Bộ LĐTBXH, với vai trò là cơ quan đầu mối của Hiệp hội tại Việt Nam chủ trì xây dựng Hướng dẫn khu vực ASEAN: Tăng cường quyền năng cho phụ nữ và trẻ em, cung cấp các dịch vụ công tác xã hội có chất lượng cho những người có nguy cơ hoặc bị ảnh hưởng bởi bạo lực.
Hướng dẫn đã vừa được các Nhà Lãnh đạo cấp cao ASEAN ghi nhân tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 diễn ra vào tháng 9/2023 tại Jakarta, Indonesia. Từ đầu năm 2023, Bộ LĐTBXH, với vai trò là cơ quan chủ trì, đã phối hợp chặt chẽ với Ban Thư ký ASEAN, các nước thành viên ASEAN và được sự hỗ trợ của UNICEF, UN Women, UNFPA thành lập một nhóm công tác để xây dựng, hoàn thiện Hướng dẫn.
Văn kiện này góp phần nhằm hỗ trợ các nước thành viên ASEAN thực hiện hiệu quả hơn Lộ trình; củng cố hệ thống công tác xã hội góp phần giải quyết và ngăn chặn bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em; giúp các nhà hoạch định chính sách cũng như các cơ quan chuyên ngành liên quan thiết kế và cung cấp các dịch vụ công tác xã hội có chất lượng cho những người có nguy cơ hoặc bị ảnh hưởng bởi bạo lực, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.
Phát biểu tại Hội thảo, Trưởng đại diện UNFPA Matt Jackson đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam và ASEAN về tăng cường quyền năng cho phụ nữ và trẻ em.
“Cùng với UNICEF và UN Women, UNFPA rất vui vì đã có cơ hội điều phối quá trình xây dựng hướng dẫn ASEAN này cũng như tài trợ cho các quốc gia dịch hướng dẫn sang ngôn ngữ của mình”, Trưởng đại diện UNFPA Matt Jackson chia sẻ.
Theo ông Matt Jackson, mục tiêu của Hướng dẫn ASEAN là hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý và thành viên của lực lượng lao động dịch vụ xã hội và các thành phần liên quan ở các quốc gia thành viên ASEAN thiết kế và cung cấp các dịch vụ công tác xã hội có chất lượng nhằm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực. Hướng dẫn nên được sử dụng như một điểm tham chiếu để xây dựng pháp luật, chính sách và công cụ để cung cấp các dịch vụ công tác xã hội chất lượng trong lĩnh vực này.
Đại diện Lào chia sẻ trực tuyến về các kinh nghiệm của Lào tại Hội thảo. (Ảnh: Phạm Hằng) |
Về những nỗ lực của Việt Nam, ông Matt Jackson đánh giá trong nhiều thập kỉ qua, Chính phủ Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan của Liên hợp quốc, cụ thể là UNFPA, UNICEF và UN Women nỗ lực chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em đồng thời tăng cường các dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực.
Việt Nam đã tham gia chương trình thí điểm quan trọng “Gói dịch vụ cơ bản hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực”, với 4 chương trình can thiệp về dịch vụ xã hội, y tế, chính sách, tư pháp và phối hợp. Công tác xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ người bị bạo lực giới và kết nối các dịch vụ khác.
Chương trình chung này vì thế nhấn mạnh các nguyên tắc và cách tiếp cận của hoạt động hỗ trợ công tác xã hội có chất lượng cao đó là tôn trọng phụ nữ và trẻ em bị bạo lực. Các cách tiếp cận trong công tác xã hội là thúc đẩy, phòng ngừa và ứng phó.
Với nỗ lực cải thiện ngành nghề công tác xã hội, Việt Nam cũng đã đưa ra Chương trình quốc gia phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021-2030 và Chương trình quốc gia về cải thiện và phát triển hệ thống hỗ trợ xã hội đến năm 2025. Mục đích là tăng cường số lượng nhân viên làm công tác xã hội và đảm bảo cung cấp các dịch vụ công tác xã hội có chất lượng cao.
Bày tỏ sự đồng tình với ông Matt Jackson, tại Hội thảo, Trưởng đại diện UNICEF Rana Flowers đặc biệt nhấn mạnh vai trò của các nhân viên làm công tác xã hội, cho rằng đây là lực lượng nòng cốt nhằm đảm bảo việc thực hiện các kế hoạch phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Do đó, Việt Nam và các thành viên ASEAN nên có những chiến lược phù hợp trong việc đào tạo, đảm bảo quyền lợi của lực lượng làm công tác xã hội để họ an tâm thực hiện sứ mệnh quan trọng của mình.
Trong khuôn khổ Hội thảo còn có sự tham gia chia sẻ kinh nghiệm về phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em của một số nước thành viên ASEAN, đưa ra các điển hình tốt về việc tận dụng những nỗ lực của khu vực vào những hoạt động thực tế tại từng quốc gia thành viên.
Theo UNFPA, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em vẫn là một trong những vi phạm quyền con người phổ biến nhất trên thế giới mặc dù đã có nhiều nỗ lực chấm dứt bạo lực. Theo một nghiên cứu của Liên hợp quốc thực hiện năm 2013 về bạo lực đối với phụ nữ ở châu Á - Thái Bình Dương, tỷ lệ phụ nữ bị nam giới bạo hành dao động giữa các quốc gia từ 26% đến 80%. Cũng theo UNFPA, phụ nữ thuộc các nhóm dễ bị tổn thương và các nhóm thiểu số có nguy cơ bị bạo lực cao hơn: Ví dụ như phụ nữ khuyết tật có nguy cơ bị bạo lực thể chất cao hơn phụ nữ không bị khuyết tật ít nhất là 1,5 lần. Ngoài ra, nghiên cứu của UNICEF ước tính tỷ lệ xâm hại thể chất ở trẻ em trai và trẻ em gái trong khu vực dao động từ 10% đến hơn 30%; xâm hại tình dục lên đến 11%; và ngược đãi cảm xúc từ 31% lên 68%. Nghiên cứu quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam được thực hiện năm 2019 với sự hỗ trợ của UNFPA cho thấy cứ 3 phụ nữ thì gần 2 người đã từng phải chịu ít nhất một loại hình thức bạo lực do chồng hay bạn tình gây ra trong đời. Tuy nhiên, bạo lực phần lớn vẫn được giấu kín với hơn 90% phụ nữ đã không bao giờ tìm kiếm sự hỗ trợ từ các nhân viên làm công tác xã hội hay chính quyền địa phương. |