Đổ nhầm nhiên liệu cho xe ô tô không thường xuyên xảy ra, nhưng không phải là không có. |
Việc đổ nhầm nhiên liệu cho xe ô tô không thường xuyên xảy ra, nhưng không phải là không có và có thể khiến động cơ hỏng hóc nghiêm trọng. Đó là tình huống có thể xảy ra với người đi mượn xe, sự mất tập trung, lơ đãng của người bơm nhiên liệu hoặc khi chủ xe mới đổi từ xe chạy xăng sang xe chạy dầu nên chưa quen...
Về kỹ thuật, xe động cơ diesel không thể chạy bằng xăng và ngược lại, do hai công nghệ này có quá trình đốt cháy nhiên liệu khác nhau. Động cơ diesel dùng tỷ số nén cao để ép hỗn hợp nhiên liệu và không khí cho đến khi chúng tự bốc cháy, còn động cơ xăng lại hoạt động ở tỷ số nén thấp hơn và được kích nổ nhờ bugi đánh lửa để đốt cháy từng xy-lanh.
Đổ nhầm xăng vào xe máy dầu
Trên thực tế, hầu hết sự cố đổ nhầm nhiên liệu cho xe rơi vào xe máy dầu, do kích thước vòi bơm dầu thường lớn hơn, hiếm khi cắm vừa vào miệng bình xăng. Tuy nhiên, không phải mọi cây xăng đều được xây dựng, lắp đặt theo đúng thiết kế chuẩn đó.
Trong trường hợp bị đổ nhầm xăng, xe vẫn có thể di chuyển, vì dầu nặng hơn xăng nên lắng xuống dưới và vào bình đốt trước. Xe tiếp tục chạy thêm được bao xa tùy thuộc vào lượng diesel còn lại trong bình. Khi dầu cạn xăng lọt vào buồng đốt, xe sẽ dừng lại và chết máy, vì xăng có chỉ số octan cao, không có hiện tượng tự kích nổ. Dấu hiệu là nếu tài xế thử đề nổ lại thì sẽ có cảm giác nặng, khó đề; khi đề được thì xe máy sẽ rất ồn, rồi lịm dần.
Nếu tài xế không kịp thời phát hiện việc nhầm nhiên liệu mà cố khởi động lại lần nữa khi xe chết máy thì có thể gây nổ hoặc vỡ máy. Hậu quả lớn nhất sẽ là hỏng piston, bó máy, ảnh hưởng đến tuổi thọ của máy, thậm chí phải thay cả máy.
Cách xử lý khi phát hiện việc nhầm lẫn là tài xế cần đưa xe vào chỗ an toàn (nếu xe đã chết máy thì đẩy xe), tuyệt đối không được khởi động lại động cơ và gọi cứu hộ đưa xe về gara để hút sạch toàn bộ nhiên liệu bị trộn lẫn ra ngoài, cho dầu mới vào bơm cao áp để súc rửa bình. Sau khi làm sạch cả bình nhiên liệu và vòi dẫn, có thể đổ lại dầu và khởi động lại động cơ, cho chạy không tải 10-20 phút để kiểm tra.
Nếu không có đấu hiệu bất thường thì có thể yên tâm sử dụng, còn nếu có tiếng kêu lạ từ động cơ hoặc bất cứ dấu hiệu bất thường nào khác thì nên tắt máy và kiểm tra lại toàn bộ.
Đổ nhầm diesel vào xe chạy xăng
Dù trường hợp này hiếm xảy ra hơn, nhưng không phải là không có. Khi đó, xe sẽ có hiện tượng xả nhiều khói muội, do dầu không được đốt hết, dần chuyển sang kẹt và bó động cơ do muội bám vào thành xy-lanh nhiều làm kẹt piston.
Khi phát hiện đổ nhầm diesel vào xe động cơ xăng, cách xử lý tùy thuộc vào lượng diesel đã đổ vào bình (trên hay dưới 10%) và tùy loại động cơ xe cũ hay mới.
Trong mọi trường hợp, lưu ý đầu tiên là không khởi động xe hoặc tắt máy ngay khi phát hiện nhầm lẫn. Sau đó, cũng giống như trường hợp trên, cần rút hết hỗn hợp diesel pha xăng ra khỏi bình.
Nếu lượng dầu diesel đổ vào ít (dưới 10%) so với dung tích bình xăng và động cơ xe thuộc dòng đời cũ, không sử dụng phun xăng điện tử, thì có thể đổ đầy bình xăng để hòa tan diesel; xe lại có thể hoạt động bình thường, chỉ hơi khói hơn một chút, cho tới khi hết hẳn diesel lẫn trong xăng.
Với xe đời mới, dùng phun xăng điện tử, giải pháp tốt nhất là gọi cứu hộ đưa xe về gara để hút hết nhiên liệu ra, đổ xăng mới vào súc sạch động cơ, bơm cao áp, vòi phun xăng…, rồi mới đổ xăng lại cho xe chạy bình thường.
Làm gì để tránh nhầm lẫn?
Thông thường, trên nắp bình nhiên liệu của xe máy dầu sẽ có chữ "Diesel" với màu sắc đối lập để tạo sự nổi bật, gây chú ý. Tuy nhiên, với người không cẩn thận hoặc khi đang vội, việc không chú ý tới dòng chữ này là rất có thể. Do đó, bạn nên chủ động dán decal báo hiệu loại nhiên liệu xe sử dụng ngay ở nắp ngoài, và cả nắp trong, nếu chưa có.
Thậm chí, bạn có thể thay loại nắp bình nhiên liệu để tránh nhầm lẫn. Với xe cho người khác mượn, đặc biệt là xe máy dầu, để phòng nhầm lẫn, bạn nên đổ đầy bình nhiên liệu trước khi cho mượn và dặn dò kỹ.