📞

Hướng tới Đại hội XIII của Đảng: Những thành tựu nổi bật của đất nước sau 35 năm đổi mới

Chu Văn 16:46 | 21/01/2021
TGVN. Đến nay, sau 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện và có ý nghĩa lịch sử, thay đổi đời sống mọi mặt của người dân.

Chủ trương đổi mới đã được Đảng ta đề ra tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng. Đến nay, sau 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện và có ý nghĩa lịch sử, thay đổi đời sống mọi mặt của người dân: kinh tế tăng trưởng ở mức tương đối cao, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện, tình hình chính trị và xã hội ổn định, quan hệ đối ngoại được mở rộng và vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.

Trong suốt 35 năm qua, kinh tế Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng. (Nguồn: VGP)

Quy mô nền kinh tế tăng nhanh

Trong suốt 35 năm qua, kinh tế Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng. Nếu như trong giai đoạn đầu đổi mới (1986-1990) mức tăng trưởng GDP bình quân hàng năm chỉ đạt 4,4% thì giai đoạn 1991-1995, GDP bình quân đã tăng gấp đôi, đạt 8,2%/năm; các giai đoạn sau đó đều có mức tăng trưởng khá cao; giai đoạn 2016-2019 đạt mức bình quân 6,8%. Mặc dù năm 2020 kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 nhưng tốc độ tăng GDP của Việt Nam vẫn thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực, thế giới.

Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên, nếu như năm 1989 mới đạt 6,3 tỷ USD/năm, thì đến năm 2020 đã đạt khoảng 268,4 tỷ USD/năm. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt, năm 1985 bình quân thu nhập đầu người mới đạt 159 USD/năm, thì đến năm 2020 đạt khoảng 2.750 USD/năm. Các cân đối lớn của nền kinh tế về tích luỹ-tiêu dùng, tiết kiệm-đầu tư, năng lượng, lương thực, lao động-việc làm… tiếp tục được bảo đảm, góp phần củng cố vững chắc nền tảng kinh tế vĩ mô.

Những nỗ lực đổi mới trong 35 năm qua đã giúp cho môi trường đầu tư liên tục được cải thiện, nhờ đó đã thu hút ngày càng nhiều hơn vốn đầu tư cho phát triển. Tính riêng năm 2019, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành đạt 2.046,8 nghìn tỷ đồng; tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 38,02 tỷ USD, cao nhất trong vòng 10 năm lại đây. Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn là một điểm đến tin cậy cho các nhà đầu tư với tổng vốn FDI đạt 28,5 tỷ USD.

Ngoài ra, tại Việt Nam đã hình thành các vùng kinh tế trọng điểm để làm động lực cho phát triển kinh tế vùng, miền và cả nước; phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp tập trung nhằm thu hút vốn đầu tư phát triển, đồng thời hình thành các vùng chuyên môn hoá cây trồng, vật nuôi gắn với chế biến công nghiệp... Nhìn chung, các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế đều có bước phát triển mạnh mẽ.

Qua 35 năm, từ chỗ thiếu ăn, Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản, như: cà phê, gạo, hạt điều, rau quả, tôm, gỗ và sản phẩm từ gỗ... luôn duy trì ở mức cao. Các mặt hàng xuất khẩu khác cũng có bước tiến lớn.

Đặc biệt, trong bối cảnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 khiến hoạt động thương mại và đầu tư thế giới suy giảm, các nước nhập khẩu ngày càng siết chặt hàng rào phi thuế quan, bảo hộ trong nước gia tăng, thì tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2020 vẫn đạt 543,9 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm 2019; xuất siêu 19,1 tỷ USD - cao nhất trong 5 năm liên tiếp xuất siêu kể từ năm 2016.

Với kim ngạch xuất nhập khẩu ấn tượng đã đưa Việt Nam xếp thứ 22 thế giới về quy mô kim ngạch và năng lực xuất khẩu, đứng thứ 26 về quy mô thương mại quốc tế. Đây chính là bước tạo đà, tạo lực bứt phá cho hoạt động xuất nhập khẩu trong giai đoạn tới.

Vị thế các trường đại học của Việt Nam đã được nâng lên trong bảng xếp hạng châu Á và thế giới.

Gắn kết hài hòa với phát triển văn hóa-xã hội

Trong suốt quá trình 35 năm đổi mới, việc tăng trưởng kinh tế đã cơ bản gắn kết hài hòa với phát triển văn hóa, xây dựng con người, tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường. Tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước phát triển. Từ chỗ Nhà nước bao cấp toàn bộ trong việc giải quyết việc làm đã dần chuyển trọng tâm sang thiết lập cơ chế, chính sách để các thành phần kinh tế và người lao động đều tham gia tạo việc làm; từ chỗ không chấp nhận có sự phân hóa giàu-nghèo đã đi đến khuyến khích mọi người làm giàu hợp pháp đi đôi với tích cực xóa đói giảm nghèo.

Đặc biệt, công tác giảm nghèo của Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng. Tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước đã giảm từ 58% năm 1993 xuống 22% năm 2005; 9,45% năm 2010, 7% năm 2015 và còn dưới 3% năm 2020 (theo chuẩn nghèo đa chiều).

Công tác giáo dục đạt được nhiều thành tựu. Quy mô giáo dục tiếp tục được phát triển, cơ sở vật chất được nâng cao, chất lượng đào tạo từng bước đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực. Nhiều chỉ số về Giáo dục phổ thông của Việt Nam được đánh giá cao trong khu vực, như: Tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99% (đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN, sau Singapore); Tỷ lệ học sinh đi học và hoàn thành Chương trình tiểu học sau 5 năm đạt 92,08%, đứng ở tốp đầu của khối ASEAN.

Vị thế các trường đại học của Việt Nam đã được nâng lên trong bảng xếp hạng châu Á và thế giới, năm 2019 xếp thứ 68/196 quốc gia trên thế giới, tăng 12 bậc so với năm 2018. Lần đầu tiên, Việt Nam có 4 cơ sở giáo dục đại học được vào top 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới. Việt Nam đang là điểm đến được lựa chọn của nhiều sinh viên quốc tế trong những năm gần đây…

Năng lực của hệ thống các cơ sở y tế được củng cố và phát triển. Nhờ đó, người dân dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ y tế hơn. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cũng được chú trọng đầu tư, đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân… Việt Nam là một trong số ít quốc gia có hệ thống y tế hoàn chỉnh, tổ chức rộng khắp tới tận thôn, bản; làm chủ được nhiều kỹ thuật công nghệ cao mang tầm thế giới như: ghép chi, tim, gan, thận...; kiểm soát được nhiều dịch bệnh nguy hiểm, trong đó có Covid-19; chủ động sản xuất được nhiều loại vaccine phòng bệnh, mới đây nhất là vaccine phòng Covid-19...

Bên cạnh đó, công tác bảo đảm an sinh xã hội luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm thực hiện. Đến nay, diện thụ hưởng chính sách an sinh xã hội ngày càng mở rộng, mức hỗ trợ được nâng lên, đời sống vật chất và tinh thần của người dân, đặc biệt là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Trong 25 năm qua, ngành Bảo hiểm xã hội đã giải quyết cho hơn 112,5 triệu lượt người hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội. Từ năm 2003-2018, ngành Bảo hiểm xã hội phối hợp với ngành Y tế đã đảm bảo quyền lợi cho trên 1.748 triệu lượt người tham gia khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, bình quân mỗi năm có trên 109 triệu lượt người thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Ngoài ra, các phong trào “Tương thân tương ái”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” do các cấp và các đoàn thể, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và toàn thể nhân dân thực hiện và hưởng ứng tham gia trong những năm qua cũng đã phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đóng góp đáng kể vào nâng cao sách an sinh xã hội cho nhân dân, nhất là người nghèo, vùng khó khăn.

Việt Nam cũng là thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm cao trong các tổ chức quốc tế.

Hội nhập quốc tế sâu rộng, vị thế ngày càng được nâng cao

35 năm đổi mới cũng là một chặng đường hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, theo nguyên tắc và chuẩn mực của thị trường toàn cầu. Việt Nam đã thiết lập được nhiều quan hệ đối tác chiến lược về kinh tế. Tích cực xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015 và hoàn thiện thị trường trong nước đầy đủ hơn theo cam kết WTO. Đến nay đã có 71 quốc gia công nhận nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường, trong đó có các đối tác thương mại lớn của Việt Nam.

Từ khi gia nhập WTO đến nay, Việt Nam đã ký kết 15 FTA khu vực và song phương và đang đàm phán 2 FTA với các đối tác khác. Các FTA mà Việt Nam tham gia có độ phủ rộng hầu hết các châu lục với gần 60 nền kinh tế có tổng GDP chiếm gần 90% GDP thế giới, trong đó có 15 nước thành viên G20 và 9/10 đối tác kinh tế-thương mại lớn nhất của Việt Nam thuộc 3 trung tâm kinh tế lớn nhất thế giới là Bắc Mỹ, Tây Âu và Đông Á. Do đó, việc tham gia và thực thi các FTA sẽ mang lại những cơ hội lớn cho Việt Nam, tác động tích cực tới phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm...

Việt Nam cũng là thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm cao trong các tổ chức quốc tế. Việt Nam đã tham gia vào Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), các tổ chức của Liên hợp quốc... đóng góp tích cực và đang trở thành nước có vị thế và vai trò ngày càng cao ở khu vực, được cộng đồng quốc tế tôn trọng. Bên cạnh đó, Việt Nam đã được tín nhiệm bầu vào các cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc, như: Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016, Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO nhiệm kỳ 2013-2017, Hội đồng Kinh tế-Xã hội của Liên hợp quốc (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016-2018.

Đặc biệt, năm 2020, Việt Nam cùng lúc đảm nhận 3 trọng trách: Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch AIPA, trong bối cảnh vô cùng khó khăn của đại dịch Covid-19 và những thiệt hại nặng nề do thiên tai bão lũ... song Việt Nam đã hoàn thành tốt cả ba trọng trách, góp phần nâng cao uy tín, vị thế Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Những thành tựu của công cuộc đổi mới kể trên là kết quả của quá trình phấn đấu liên tục, bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta qua nhiều nhiệm kỳ đại hội, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, có hiệu quả, kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy đảng. Đây chính là tiền đề quan trọng, tạo ra tiềm lực, sức mạnh, niềm tin vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong tương lai.

(theo TTXVN)