Nhiều quốc gia châu Á đồng loạt tuyên bố dần từ bỏ nhiên liệu hóa thạch, cắt giảm lệ thuộc vào than đá. (Nguồn: Asian Times) |
Dấu hiệu dịch chuyển nguồn vốn khỏi ngành năng lượng than đá
Động thái cam kết từ bỏ nhiên liệu hóa thạch của các nước đã nhận được sự ủng hộ từ các nhà môi trường trên tinh thần chung tay giải quyết hậu quả của biến đổi khí hậu.
Theo đó, Trung Quốc tuyên bố cam kết giảm khí thải ở mức 0 trước năm 2060, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đồng loạt hưởng ứng theo cam kết này vào thời điểm trước năm 2050.
Sau cam kết không phát thải ròng của "bộ ba" nền kinh tế lớn nhất Đông Á trong nhiều thập kỉ tới, Philippines cũng đã tuyên bố tạm hoãn và không chấp nhận đề xuất xây dựng các nhà máy điện than mới. Trong khi đó, chính phủ Thái Lan điều chỉnh kế hoạch phát triển năng lượng tương lai bằng mục tiêu giảm tỷ trọng than trong ngành nhiệt điện xuống còn khoảng 10% vào năm 2030, đạt 30% sản lượng điện từ năng lượng tái tạo vào năm 2036, trong đó có năng lượng sinh học, điện mặt trời và gió.
Sự thành công của gói đấu thầu năng lượng mặt trời công suất 1.06 gigawatt của Myanmar cho phép nước này nối tiếp con đường năng lượng của Việt Nam, trong quá trình chuyển đổi cơ cấu năng lượng tái tạo nhập khẩu sang năng lượng tái tạo nội địa với chi phí thấp.
Công ty phân phối điện lớn nhất Hàn Quốc KEPCO và nhà máy phát điện lớn nhất Nhật Bản JERA cũng cam kết sẽ ngừng việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện mới. JERA còn cho biết, họ sẽ đóng cửa tất cả các nhà máy nhiệt than có công nghệ tới hạn và siêu tới hạn hiện có của nước này vào năm 2030, như lời cam kết giảm mức khí thải nhà kính xuống mức bằng 0.
Ngoài ra, Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc cũng được cho là sẽ cắt giảm đầu tư vào than.
Trước đó, vào tháng 4 năm nay, Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) thông báo, họ sẽ ngưng cung cấp các khoản hỗ trợ tài chính cho các nhà máy nhiệt điện mới. Trong khi đó, Tập đoàn ngân hàng lớn nhất Nhật Bản MUFG được cho là đang chuẩn bị một chiến lược thoát khỏi phụ thuộc vào than đá toàn diện. Còn tập đoàn Mitsui & Co bán tất cả cổ phần của mình trong các nhà máy nhiệt điện than vào năm 2030.
Ngành than suy thoái, dầu khí cũng bị vạ lây
Chỉ trong năm nay, thị trường đã chứng kiến tổng cộng là khoảng 143 tổ chức tài chính quan trọng trên toàn cầu, đặc biệt trong đó có đến 56 ngân hàng, công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí và các tập đoàn quản lý tài sản toàn cầu, công bố các chính sách rút vốn khỏi ngành khai thác than hoặc các nhà máy nhiệt điện.
Khả năng tài trợ cho các dự án mới liên quan đến than đá đang ngày càng khó khăn hơn. Bởi thực tế, các ngân hàng ngày càng miễn cưỡng đổ tiền vào các dự án này. Ngay cả đối với các công ty có dự án tốt, họ cũng rất khó huy động vốn từ thị trường này.
Theo xu hướng thị trường tài chính hiện nay, ngày càng ít nhà đầu tư sẵn sàng tài trợ cho nhiên liệu hóa thạch, các chính sách hạn chế tài chính ở lĩnh vực này cũng được áp dụng nhiều hơn. Hơn nữa, chi phí bảo hiểm các mỏ than ngày càng đắt đỏ và ràng buộc nhiều vấn đề. Các chuyên gia nhận định ‘than đá’ là quá khứ và hầu như sắp cạn kiệt. Vậy nên, năng lượng tái tạo chính là tương lai của loài người, trước những biến đổi khí hậu.
Năm nay, ngành dầu mỏ cũng có xu hướng thoái trào tương tự như ngành than. Các tổ chức tài chính cam kết thoái vốn khỏi các nhà phát triển dầu khí và nhiên liệu hoá thạch khác, những dự án có rủi ro ô nhiễm cao với môi trường, nhằm giảm phát khí thải nhà kính phù hợp với các thực thi của Thoả thuận Paris. Thế giới cần hành động đúng hướng để hoàn thành các mục tiêu khí hậu nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu.
Theo thống kê mới nhất, Tập đoàn dầu khí đa quốc gia Exxon Mobil thua lỗ 150 tỷ USD, tương đương hơn 50% tài sản cổ đông. Công ty Whitehaven Coal của Australia cũng không khá khẩm hơn khi cũng sụt giảm 60% doanh số. Cổ phiếu của công ty than lớn nhất thế giới Coal India Ltd đã giảm 50%, một lần nữa phản ánh quan điểm của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), rằng năng lượng tái tạo hiện là "vị vua mới" trong lĩnh vực năng lượng.
Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA) cho biết, có hơn 50 tổ chức tài chính trọng yếu toàn cầu đã rút các khoản đầu tư nhiều rủi ro trong các dự án khai thác dầu khí, đặc biệt là ở Bắc Cực. .
Nguồn năng lượng nào sẽ thay thế than đá?
Trung Quốc nổi lên như một quốc gia đi đầu trong công nghệ năng lượng sạch, bao gồm các tấm pin mặt trời và tuabin gió. Nước này cũng được coi là nhà sản xuất ô tô và xe buýt điện lớn nhất thế giới.
Điều đó mang lại lợi thế cho chính phủ Trung Quốc trong việc thực hiện chuyển đổi nhiên liệu hóa thạch sang nguồn nhiên liệu sạch hơn. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng có thể xây dựng các nhà máy điện hạt nhân để thay thế các nhà máy nhiệt điện than, mặc dù điều này sẽ đặt ra nhiều vấn đề khác về ô nhiễm phóng xạ và độ an toàn.
Năng lượng mặt trời hứa hẹn sẽ thế chân năng lượng hoá thạch trong tương lai. (Nguồn: Asian Times) |
Còn ở Hàn Quốc, lãnh đạo nước này cho biết sẽ triển khai gói đầu tư 8 nghìn tỷ Won (tương đương 7,1 tỷ USD) vào các dự án ‘thỏa thuận xanh’. Chính phủ sẽ xây dựng các trạm sạc bằng điện và khí hydro, đồng thời bổ sung thêm 116.000 ô tô chạy bằng hai nguồn năng lượng này trong năm tới.
Tại một cuộc họp báo thường kỳ gần đây, Chánh văn phòng Nội các Kato Katsunobu cho biết: "Nhật Bản đang xem xét các quy định và sắp xếp khởi động các dự án năng lượng tái tạo có tiềm năng cao, bao gồm cả sản xuất điện gió ngoài khơi".
Còn Bộ trưởng Môi trường Shinjiro Koizumi cho biết, Bộ này có kế hoạch kiến nghị sửa đổi luật theo hướng khuyến khích các biện pháp chống lại sự nóng lên toàn cầu để tạo điều kiện cho năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và năng lượng gió được sử dụng rộng rãi hơn. Bộ cũng sẽ có kế hoạch cung cấp hỗ trợ tài chính cho các chính quyền địa phương và các công ty nhằm phổ biến năng lượng tái tạo và đơn giản hóa các thủ tục phê duyệt và cấp phép từ chính phủ Nhật Bản.
Nhiên liệu hóa thạch đe dọa sự phát triển bền vững của Indonesia TGVN. Nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế - công nghiệp – xã hội, nhu cầu sử dụng điện của Indonesia dự báo sẽ ... |
Giải Nobel Hóa học 2019 mở đường cho nguồn năng lượng thay thế trong tương lai TGVN. Theo Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, các nhà khoa học John B.Goodenough (người Mỹ), M.Stanley Wittingham (người Anh) và Akira Yoshino ... |
Khi giới công nghệ can thiệp cuộc đối đầu giữa nhiên liệu hóa thạch và tái tạo Hội nghị CERAWeek 2019 diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang khai thác nhiều dầu thô hơn bao giờ hết - trong đó 40% sản ... |