📞

Hữu nghị Việt - Trung: Bác Hồ là người khởi nguồn

14:32 | 16/01/2015
Ngoại giao nhân dân là ngoại giao đi vào lòng người, để cảm hóa con người làm cho họ hiểu và yêu quý nhau hơn. Bác Hồ là nhà ngoại giao nhân dân tài ba, người khởi nguồn tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Ông Bùi Hồng Phúc.

Quan hệ “như môi với răng”

Nhà ngoại giao nhân dân xuất sắc và đáng kính phục nhất của Việt Nam, không ai khác chính là Bác Hồ của chúng ta. Chắc ai cũng biết trong kháng chiến chống Mỹ, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bác Hồ, chúng ta đã đưa cuộc chiến tranh Việt Nam vào trong lòng nước Mỹ, cảm hóa được người dân Mỹ và tạo nên cuộc chiến tranh ngay trong lòng nước Mỹ, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam thắng lợi.

Với mối tình hữu nghị Việt - Trung, Bác Hồ của chúng ta cũng là một nhà ngoại giao nhân dân tài ba như thế, là người khởi nguồn cho quan hệ "vừa là đồng chí, vừa là anh em "giữa nhân dân hai nước.

Ngoài việc kết bạn và quen thân với nhiều nhà lãnh đạo Trung Quốc, Bác còn có những hoạt động cụ thể ủng hộ cuộc cách mạng của nhân dân Trung quốc. Năm 1940, khi phát xít Nhật còn chiếm đóng Trung Quốc, Bác Hồ đã có những bài viết trên báo Trung Quốc kêu gọi "bà con Việt Nam đứng lên ủng hộ nhân dân Trung Quốc, Trung Quốc và Việt Nam như môi với răng, môi hở thì răng lạnh".

Mối quan hệ của Bác Hồ và Thủ tướng Chu Ân Lai thắm thiết, giữa hai người có sự gắn bó đặc biệt. Năm 1956 khi Thủ tướng Chu Ân Lai lần đầu tiên sang thăm Việt Nam, trong buổi chiêu đãi của Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng, Bác Hồ cũng tới dự. Tại đó, Bác nói: "Bác tiết lộ cho các chú một bí mật, Thủ tướng Chu Ân Lai là người bạn thân thiết với Bác từ lâu rồi, từ năm 1922 khi Bác còn ở Paris".

Đáp lại lời Bác, Thủ tướng Chu Ân Lai nói: "Tôi rất kính trọng Hồ Chủ tịch, vì ngay từ khi ở Paris, Hồ Chủ tịch đã dìu dắt tôi, giác ngộ tôi và tổ chức cho tôi đi vào con đường cách mạng như ngày nay. Tôi rất biết ơn Hồ Chủ tịch". Câu nói đó có ý nghĩa vô cùng, nó như một chất kết dính gắn bó tình cảm của lãnh đạo và nhân dân hai nước.

Năm 1961, nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bác Hồ đã có bài viết trên báo Nhân Dân của Việt Nam, trong đó Người nói: "Trăm ơn, ngàn nghĩa, vạn tình, tinh thần hữu nghị quang vinh muôn đời". Năm 1963, khi đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Lưu Thiếu Kỳ sang thăm Việt Nam tại sân bay Gia Lâm, Người cũng đã nói một câu mà đến bây giờ chúng ta vẫn thường xuyên nhắc lại: "Mối tình thắm thiết Việt - Hoa, vừa là đồng chí vừa là anh em".

Hay khi Bác lâm chung năm 1969, Thủ tướng Chu Ân Lai đã cử nữ hộ lý thân cận của chính mình sang phục vụ Bác. Câu chuyện được nữ hộ lý kể lại tại buổi giao lưu trong cuộc "Gặp gỡ trên quê hương Bác Hồ" do Hội hữu nghị Việt - Trung tổ chức vào năm 2008. Cô kể rằng cô đến bên giường nắm chặt tay Bác và nói bác Chu Ân Lai cử cô sang chăm sóc Bác trong những ngày này. Bác cảm động lắm, Bác cảm ơn và yêu cầu cô hát cho Bác nghe một bài hát Trung Quốc. Đó là kỷ niệm sâu sắc mà đến tận bây giờ cô vẫn không thể nào quên.

Công tác đền ơn đáp nghĩa

Bác Hồ rất coi trọng việc lập các hội hữu nghị với Trung Quốc. Ngay từ năm 1945 tại Hà Nội, Bác đã chỉ đạo lập "Hội Việt - Hoa thân thiện", nhưng do tình hình có nhiều biến chuyển nên hội này không còn tồn tại. Năm 1950, ngay sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 18/1, thì ngày 11/2, Hội hữu nghị Việt - Trung đã được thành lập theo chỉ đạo của Bác Hồ và Thường vụ Trung ương Đảng.

Năm 2015, hai nước kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao cũng là kỷ niệm Hội hữu nghị Việt - Trung tròn 65 tuổi. Với tôn chỉ mục đích là "hoạt động nhằm góp phần củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị và sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước Việt - Trung", trong những năm qua Hội đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm tôn vinh hình tượng Bác Hồ trong lòng nhân dân Trung Quốc như cuộc "Gặp gỡ trên quê hương Bác Hồ" năm 2008. Hội có mời 50 nhân sĩ Trung Quốc từng giúp đỡ, phiên dịch, bảo vệ Bác Hồ sang Việt Nam tham dự các hoạt động. Sắp tới đây, Hội cũng sẽ phối hợp với phía Trung Quốc tổ chức chương trình theo chân Bác Hồ trên mảnh đất Quảng Tây, tổ chức "tuyến du lịch đỏ" trở lại thăm những miền đất mà Người từng đặt chân, từng gắn bó...

Lĩnh vực hoạt động thứ hai mà Hội tập trung phát triển là việc đền ơn đáp nghĩa đối với những người từng giúp đỡ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Hiện vẫn còn nhiều người lính Trung Quốc hy sinh trong hai cuộc kháng chiến trước đây nằm lại trên đất Việt. Hàng năm vào dịp Thanh minh, Hội vẫn tổ chức thăm viếng, thắp hương tại các nghĩa trang liệt sĩ Trung Quốc đó. Hội cũng thường xuyên tiếp đón các đoàn cựu chiến binh Trung Quốc sang Việt Nam, thăm lại những nơi họ từng chiến đấu, công tác, ôn lại những kỷ niệm thời chiến, gặp lại những bạn chiến đấu Việt Nam.

Lĩnh vực thứ ba của Hội là tổ chức các cuộc liên hoan nhân dân như liên hoan nhân dân biên giới được tổ chức hai lần vào năm 2009 và 2011; liên hoan nhân dân Trung Quốc - Việt Nam năm 2010 và 2012. Diễn đàn nhân dân Việt - Trung cũng được thành lập từ năm 2010 và lần đầu tiên tổ chức tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh. Mỗi bên cử ra tám nhân sĩ trên các lĩnh vực, họp bàn và trao đổi các vấn đề về quan hệ giữa hai nước, trên cơ sở đó tìm ra biện pháp khắc phục và thúc đẩy quan hệ song phương. Cho đến nay Diễn đàn đã tổ chức được sáu lần, lần gần nhất là tại Nam Ninh, Trung Quốc. Tại đây, đoàn Việt Nam cũng đã thể hiện quan điểm về vấn đề giàn khoan và bày tỏ mong muốn khôi phục quan hệ hợp tác hai bên phát triển lành mạnh, ổn định.

Tháng 5/2014, nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Hội hữu nghị Việt - Trung có mời đoàn thân nhân tướng Trần Canh, tướng Vi Quốc Thanh và lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn - Hồng Thủy đến thăm Việt Nam. Trong đoàn, bà Vi Quốc Thanh là người lớn tuổi nhất, còn lại là những người con, cháu của ba vị tướng từng giúp đỡ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến trước đây.

Lúc đầu họ có vẻ dè dặt, nhưng với thái độ đón tiếp thân tình của các đồng chí lãnh đạo cấp cao Việt Nam, họ vô cùng cảm động. Đặc biệt, mọi người đã thuyết phục được bà Vi Quốc Thanh đi thăm Điện Biên Phủ. Bà và các con, cháu đã vào thăm chiếc lán đơn sơ mà người chồng, người cha mình từng làm việc. Bà vô cùng cảm động và nói rằng chưa bao giờ bà có chuyến đi thăm cảm động và ý nghĩa như vậy.

Tôi đã làm ngoại giao nhân dân Việt - Trung được tròn 10 năm, tuy không dài nhưng tôi cũng hiểu hết được giá trị và tầm quan trọng của nó. Tôi mong rằng, mỗi người dân Việt Nam đều có thể là một nhà ngoại giao nhân dân giỏi để làm cho mối quan hệ giữa nhân dân ta với nhân dân các nước, nhất là quan hệ giữa nhân dân hai nước Việt - Trung ngày càng được tăng cường và củng cố phù hợp với mong muốn của nhân dân hai nước, đáp ứng mong mỏi của Bác Hồ "Mối tình thắm thiết Việt - Hoa, vừa là đồng chí vừa là anh em".

Bùi Hồng PhúcPhó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Trung,Nguyên Đại sứ Việt Nam tạiT rung Quốc