Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Llyod Austin. (Nguồn: The New York Times) |
Ngày 5/12, hãng tin Reuters cho hay, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã hủy kế hoạch thăm Hàn Quốc, trong bối cảnh quốc gia đồng minh Đông Bắc Á đang bất ổn do hậu quả của sự kiện ban bố rồi nhanh chóng hủy bỏ thiết quân luật.
Động thái trên của Bộ trưởng Austin diễn ra sau khi Seoul và Washington hoãn phiên họp của Nhóm Tham vấn hạt nhân (NCG) - diễn đàn đàm phán răn đe hạt nhân chủ chốt giữa hai đồng minh, và cuộc tập trận liên quan được lên kế hoạch diễn ra vào đầu tuần này.
Sau tuyên bố thiết quân luật bất ngờ vào tối 3/12, các quan chức Mỹ đã bày tỏ “lo ngại nghiêm trọng”, bất chấp việc ông Yoon Suk Yeol đã đảo ngược sắc lệnh khẩn cấp này và đề cao sức mạnh của nền dân chủ Hàn Quốc.
Tuy nhiên, Mỹ không đưa ra lập trường về kế hoạch luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol của các nhà lập pháp, chỉ nói rằng, việc luận tội là quy trình nội bộ của Hàn Quốc và phía Washington hy vọng quy trình này sẽ được xử lý theo Hiến pháp Hàn Quốc.
Trong khi đó, theo Kyodo, cũng ngày 5/12, Lầu Năm Góc thông báo, Bộ trưởng Austin sẽ thăm Nhật Bản vào tuần tới, thể hiện “nỗ lực mang tính lịch sử của Lầu Năm Góc nhằm củng cố quan hệ đối tác và liên minh, đồng thời thúc đẩy tầm nhìn chung về hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong khu vực” Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trước khi chính quyền của Tổng thống Joe Biden kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 1/2025.
Đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của ông Austin tới Nhật Bản kể từ khi Thủ tướng Ishiba Shigeru nhậm chức lãnh đạo của quốc gia Đông Bắc Á hồi tháng 10.
Phát biểu họp báo, người phát ngôn Lầu Năm Góc Pat Ryder cho biết, chuyến thăm kéo dài nhiều ngày tới Tokyo sẽ là chuyến công du thứ 13 của Bộ trưởng Austin tới khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương kể từ khi nhậm chức năm 2021.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, ông Austin có khả năng gặp Thủ tướng Ishiba. Cuộc gặp dự kiến giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và người đồng cấp Nhật Bản Nakatani Gen có thể sẽ tập trung vào các vấn đề chính trong khu vực, bao gồm hoạt động quân sự của Trung Quốc và chiều hướng hợp tác ngày càng sâu sắc giữa Triều Tiên với Nga.