📞

Huyện Đức Trọng: Bức tranh kinh tế - xã hội nhiều khởi sắc

Cường Nguyễn 08:09 | 16/03/2022
Với quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa sản xuất kinh doanh theo kế hoạch, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Đức Trọng đã tăng cường chỉ đạo thực hiện rà soát, đánh giá các chỉ tiêu kinh tế - xã hội nhằm đưa ra các giải pháp phù hợp, phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2021 theo Nghị quyết đề ra.
Trung tâm hành chính huyện.

Kinh tế - xã hội tăng trưởng ổn định

Nằm ở cửa ngõ vào thành phố Đà Lạt, vùng đất phát triển kinh tế năng động, có sân bay Liên Khương và 3 Quốc lộ 27, 20, 28B, huyện Đức Trọng hội đủ các điều kiện thuận lợi để kết nối với các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, khu vực Tây Nguyên, các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ. Năm 2021, trước những tác động của dịch COVID-19, huyện Đức Trọng đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Nhờ vậy, tình hình kinh tế - xã hội của huyện trong năm qua đã đạt được nhiều kết quả khởi sắc với một số chỉ tiêu vượt kế hoạch. Cụ thể, ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản ước thực hiện 7.380 tỷ đồng, đạt 100,23% so với kế hoạch, tăng 5,79% so cùng kỳ; công nghiệp đạt khoảng 4.245 tỷ đồng, đạt 100,54% kế hoạch, tăng 8,35% so cùng kỳ; thương mại - dịch vụ ước thực hiện 5.820 tỷ đồng, đạt 99,05% kế hoạch và tăng 6,53% so cùng kỳ. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. Thu ngân sách nhà nước ước thực hiện là 562.500 triệu đồng, đạt 104,7% dự toán giao và bằng 106,6% so với cùng kỳ.

Với tình hình dịch bệnh phức tạp như thời gian qua, Đức Trọng đã chỉ đao ngành nông nghiệp huyện triển khai nhiều giải pháp cùng với doanh nghiệp, người nông dân điều chỉnh kế hoạch sản xuất theo định hướng lâu dài, phù hợp với nhu cầu thị trường. Khuyến khích, hỗ trợ người dân liên kết với các doanh nghiệp, chủ động tìm kiếm thị trường đảm bảo tiêu thụ ổn định. Đối với công tác bảo vệ rừng, huyện đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tuyên truyền, vận động, cũng như tăng cường tuần tra, kiểm tra rừng nhằm bảo vệ, phát triển rừng, phát hiện và xử lý sớm các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp.

Trong năm vừa qua, huyện đã triển khai thực hiện nhiều dự án đề ra, đồng thời phối hợp triển khai các dự án, công trình trọng điểm của tỉnh trên địa bàn huyện như: Dự án hồ Ta Hoét, dự án QL 27 đoạn tránh sân bay Liên Khương...; tích cực kêu gọi nhà đầu tư có tiềm lực lập quy hoạch các dự án Khu đô thị mới Nam sông Đa Nhim, khu đô thị Liên Khương – Prenn,... Ngoài ra, huyện Đức Trọng đã xây dựng và từng bước triển khai Đề án khai thác quỹ đất, tạo vốn đầu tư hạ tầng tại Khu trung tâm hành chính - quảng trường huyện và Khu dân cư chợ Phi Nôm (Hiệp Thạnh). Toàn huyện đã thu hút được 10 dự án đăng ký đầu tư, 04 dự án đăng ký điều chỉnh dự án trong năm 2021. Lũy kế đến nay, huyện Đức Trọng có 133 dự án được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư với tổng mức đăng ký đầu tư gần 35.275 tỷ đồng. Huyện có 149 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với tổng mức đầu tư đăng ký 805,6 tỷ đồng. Lũy kế đến nay có 1.431 doanh nghiệp đăng ký hoạt động.

Hạ tầng kinh tế - xã hội của Đức Trọng có nhiều thay đổi, bộ mặt đô thị - nông thôn mới có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên đáng kể. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện theo chuẩn nghèo đa chiều còn dưới 0,5%; trong đó, hộ nghèo DTTS còn dưới 1,1%, đạt kế hoạch đề ra. Các xã Tân Hội, Tân Thành, Bình Thạnh, Ninh Loan đã được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Công tác phòng, chống dịch COVID-19 được các ngành, các cấp chủ động tổ chức, triển khai linh hoạt, ưu tiên đảm bảo an toàn sức khỏe của người dân và cộng đồng. Huyện đã triển khai kịp thời các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục sản xuất, kinh doanh, từng bước phục hồi nên kinh tế và đưa đời sống người dân dần trở lại trạng thái bình thường mới.

Tiếp tục thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đã đề ra, thời gian tới, huyện Đức Trọng sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, duy trì, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đưa ra giải pháp phù hợp để vừa ứng phó với tình hình dịch bệnh vừa phát triển kinh tế - xã hội theo kế hoạch. Năm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp để có phương án hỗ trợ kịp thời, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ nông dân trong sản xuất và cung ứng nông sản, không để chuỗi sản xuất bị gián đoạn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, nhất là các dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp, thương mại dịch vụ.

Nông nghiêp công nghệ cao ngày càng phát triển

Được biết, huyện Đức Trọng là một trong những địa phương đi đầu cả nước về nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, xây dựng chuỗi sản xuất tiêu thụ sản phẩm để phát triển bền vững. Huyện đã chọn nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) gắn với phát triển thương mại - dịch vụ và công nghệ chế biến sản phẩm nông nghiệp là mũi nhọn trong phát triển kinh tế nhằm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Trên địa bàn huyện hiện có hơn 11.271 ha sản xuất nông nghiệp theo hướng ƯDCNC. Nhiều mô hình trình diễn, mô hình sản xuất ứng dụng các thiết bị hiện đại, các công nghệ mới, các giống mới vào sản xuất đã được triển khai xây dựng. Công nghệ 4.0 (IOT) ngày càng được chú trọng phát triển và ứng dụng mạnh mẽ vào sản xuất với diện tích khoảng 50 ha/15 hộ, đơn vị.

Việc ƯDCNC vào sản xuất nông nghiệp đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Doanh thu đối với diện tích sản xuất theo hướng công nghệ cao đạt gấp 2-3 lần so với các mô hình sản xuất theo công nghệ bình thường. Trong đó, sản xuất rau đạt bình quân 300-400 triệu đồng/ha, hoa đạt bình quân từ 0,5-1 tỷ đồng/ha. Nhiều vùng chuyên canh rau, hoa ƯDCNC được hình thành tại thị trấn Liên Nghĩa, xã Hiệp An, xã Hiệp Thạnh và tiếp tục được nhân rộng ra các xã lân cận, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân. Đồng thời đảm bảo nguồn nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy chế biến tại địa phương và cung ứng cho thị trường trong nước, cũng như xuất khẩu.

Nhận thấy tiềm năng phát triển từ các mô hình nông nghiệp ƯDCNC, nhiều doanh nghiệp đã chủ động liên kết với các nông hộ, hợp tác xã, tổ hợp tác và trang trại có đất sản xuất đầu tư giống, vật tư nông nghiệp, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm, từ đó hình thành chuỗi liên kết trong các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Địa phương cũng đẩy mạnh triển khai các chính sách thu hút đầu tư, tạo điều kiện để nhà đầu tư đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, góp phần thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện nhà.

Huyện Đức Trọng định hướng từ nay đến năm 2025 sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, tiếp cận đa ngành, mở rộng diện tích ƯDCNC vào sản xuất. Các sản phẩm được xem là thế mạnh của huyện như rau, hoa, cà phê, dâu tằm sẽ được tập trung phát triển, hình thành vùng sản xuất hàng hóa với quy mô lớn. Tiếp tục phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, đẩy mạnh thâm canh, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và áp dụng quy trình sản xuất theo hướng an toàn nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất.