📞

Hy Lạp: Tổng đình công phản đối cắt giảm ngân sách

21:11 | 08/12/2016
Cuộc tổng đình công ngày 8/12 nhằm phản đối kế hoạch cải cách luật lao động và cắt giảm ngân sách của chính phủ theo yêu cầu của các chủ nợ quốc tế.

Thành phần tham gia cuộc tổng đình công kéo dài 24 giờ này là các công chức, nhân viên ngân hàng, công nhân vận tải đường biển, đường sắt và nhân viên y tế tại các bệnh viện công theo lời kêu gọi của GSEE và ADEDY - hai tổ chức công đoàn lớn nhất Hy Lạp đại diện cho người lao động trong cả khu vực công và khu vực tư nhân.

Trước đó, ngày 7/12, các nhà báo Hy Lạp cũng đã tổ chức cuộc đình công kéo dài một ngày. Các công đoàn Hy Lạp cũng lên kế hoạch biểu tình tại thủ đô Athens và các thành phố chính của Hy Lạp trong ngày 8/12.

Đoàn người biểu tình ngày 8/12. (Nguồn: AP)

Những chủ nợ quốc tế của Hy Lạp - gồm Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và một số nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) - muốn Hy Lạp cải cách luật lao động để hạn chế những cuộc tổng đình công làm tê liệt đất nước như vừa qua, đồng thời nới lỏng các điều kiện cho phép sa thải hàng loạt người lao động. Dự kiến các đề xuất theo hướng này của Chính phủ Hy Lạp cùng một ngân sách mới bao gồm khoảng 1 tỉ Euro (1,07 tỉ USD) từ các khoản thuế bổ sung đối với ô tô, dịch vụ điện thoại cố định, truyền hình trả tiền, nhiên liệu, thuốc lá, cà phê và bia sẽ được thông qua tại Quốc hội nước này trong sáng 11/12.

Trong khi đó, chi tiêu công dành cho lương và lương hưu sẽ bị cắt giảm 5,7 tỉ Euro trong năm 2017. Các công đoàn Hy Lạp cũng bày tỏ sự phẫn nộ trước kế hoạch của chính phủ huy động thêm 2 tỉ Euro từ các hoạt động tư nhân nhân hóa, trong đó có 1,2 tỉ Euro từ việc bán một số sân bay khu vực. 

Bến cảng Piraeus gần thành phố Athens, Hy Lạp không một bóng người do các công nhân tiến hành đình công ngày 8/12. (Nguồn: AP)

Ngày 5/12, bộ trưởng tài chính các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã nhất trí thông qua một số giải pháp mang tính ngắn hạn để giải quyết vấn đề nợ của Hy Lạp. Với các giải pháp được thông qua, gánh nặng nợ Hy Lạp có thể giảm nhiều tỉ Euro và thời hạn trả nợ được kéo dài tới tận năm 2060.

Tuy nhiên thông tin này không làm hài lòng người lao động Hy Lạp, những người đã mất một phần ba thu nhập trung bình kể từ khi khủng hoảng kinh tế bắt đầu năm 2009. Trong tháng 9 vừa qua, tỷ lệ thất nghiệp của Hy Lạp lên tới 23,4%.

Chính phủ Hy Lạp đang hy vọng có thể đạt được thỏa thuận vào cuối năm nay để trái phiếu chính phủ của mình được tham gia vào các chương trình mua trái phiếu của Ngân hàng Trung ương châu Âu trước tháng 3/2017. Điều này sẽ đồng nghĩa với việc Hy Lạp có thể giảm bớt sự phụ thuộc vào các khoản vay cứu trợ đã lên đến 315 tỉ Euro, gần gấp đôi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm nay của nước này.

(theo AP, AA)