Theo đó, thị phần của các loại hàng giả, hàng nhái này, trong đó có đồ trang sức, đồ chơi trẻ em và mỹ phẩm, so với hàng thật là cao hơn so với dự đoán trước đó.
Bên cạnh việc ảnh hưởng đến các thương hiệu thời trang và thể thao lớn, sự lưu thông của hàng giả, hàng nhái cũng tác động đến thị trường thực phẩm. Thị trường Hy Lạp là một trong những thị trường bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Một số lượng lớn các sản phẩm có “nguồn gốc xuất xứ được bảo hộ” (PDO) bị giả mạo, trong đó có pho mát feta (một loại pho mát nổi tiếng), đang thâm nhập vào thị trường nội địa của Hy Lạp.
Một khu chợ tại Hy Lạp. (Nguồn: Flickr) |
Dữ liệu trong báo cáo trên cho thấy hàng giả, hàng nhái thâm nhập vào thị trường EU chiếm khoảng 5% số lượng hàng hóa nhập khẩu vào khối này. Giá trị của hàng giả, hàng nhái ước tính lên tới khoảng 85 tỷ euro mỗi năm. Trên phạm vi toàn cầu, hàng giả, hàng nhái được cho là tạo nên khoản doanh thu ước tính 390 tỷ euro mỗi năm. Các loại nước hoa, mỹ phẩm, quần áo, giày dép, đồ thể thao, đồ chơi trẻ em và đồ trang sức nhập khẩu vào EU là những mặt hàng được làm giả phổ biến nhất.
Tại Hy Lạp, các cơ quan chức năng trong năm 2015 đã tịch thu tổng cộng hơn 7,3 triệu tút thuốc lá được coi là bất hợp pháp. Có hai cách diễn giải được đưa ra liên quan đến con số này. Cách diễn giải thứ nhất cho rằng Hy Lạp đang là cửa ngõ chính để các loại thuốc lá giả thâm nhập vào EU. Cách diễn giải thứ hai nhận định lực lượng hải quan Hy Lạp đang tập trung nỗ lực chống lại tình trạng buôn lậu các sản phẩm từ bên ngoài vào nước này nhằm tránh thất gây thu thuế.
Báo cáo của Cơ quan phụ trách vấn đề sở hữu trí tuệ của Liên minh châu Âu và Cảnh sát châu Âu cũng đề cập đến một mẻ lưới lớn của các nhà chức trách Hy Lạp khi họ tiến hành bắt giữ một lô hàng gồm 496.000 bao thuốc lá giả từ Việt Nam tại cảng Piraeus.
Các vi phạm liên quan đến thực phẩm và đồ uống trong EU là một mối quan ngại đặc biệt do vấn đề sức khỏe của công chúng rất được coi trọng. Tuy nhiên, những hệ thống giám sát được thiết kế nhằm phát hiện một cách hiệu quả các vi phạm trong lĩnh vực này hiện vẫn chưa được thiết lập đầy đủ. Hoạt động buôn bán thực phẩm bất hợp pháp đang trở nên phổ biến, nhất là đối với các loại thực phẩm hữu cơ và thực phẩm có “nguồn gốc xuất xứ được bảo hộ”.
Ngoài ra còn có nhiều loại thực phẩm và đồ uống khác bị làm giả, làm nhái bao gồm đồ uống có cồn, bơ, thịt, trái cây, rau quả và ngũ cốc. Cũng theo báo cáo của Cơ quan phụ trách vấn đề sở hữu trí tuệ của EU và Cảnh sát châu Âu, các nhà sản xuất thực phẩm và đồ uống ở Hy Lạp, Đức, Pháp và Italy là bị ảnh hưởng nhiều nhất trong EU.