📞

Hy Lạp: Khai mào khủng hoảng tài chính giai đoạn 3?

17:18 | 05/03/2010
Chỉ đi sau khủng hoảng tài chính toàn cầu nửa bước, từ nửa cuối năm ngoái, tại châu Âu, khủng hoảng nợ quốc gia của Tây Ban Nha, Italy, Ireland, Bồ Đào Nha và Hy Lạp dần lộ rõ.
Thủ tướng Hy Lạp tại một hội nghị của EU
Chỉ đi sau khủng hoảng tài chính toàn cầu nửa bước, từ nửa cuối năm ngoái, tại châu Âu, khủng hoảng nợ quốc gia của Tây Ban Nha, Italy, Ireland, Bồ Đào Nha và Hy Lạp dần lộ rõ. 

Trong cuộc khủng hoảng tài chính, chính phủ các nước một mặt mạnh tay chi tiền để kích thích tăng trưởng kinh tế, mặt khác do kinh tế suy giảm, thu nhập từ thuế cũng giảm theo, kết quả là thâm hụt tài chính và nợ công ngày càng lớn. Tuy năm 2010 vừa bắt đầu, nhưng khủng hoảng nợ châu Âu đã trở nên nghiêm trọng hơn, gây biến động mạnh mẽ cho các thị trường tài chính toàn cầu. Người ta còn lo sợ rằng liệu Hy Lạp có trở thành một Lehman Brother thứ 2, đẩy các nước chủ nợ châu Âu vào một vòng quay mới của khủng hoảng. Bởi hai vụ việc có những nét tương đồng.

 

Chịu tác động nặng nề của khủng hoảng, cả Lehman Brothers và Hy Lạp cùng  lâm vào tình trạng khó khăn về tài chính tương tự và có khả năng "lan tỏa" đến hệ thống tài chính toàn cầu. Trong cả hai tường hợp, mất lòng tin của các nhà đầu tư đều đã đẩy các chủ thể gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ, chi phí vay vốn không ngừng tăng lên và có nguy cơ bị đẩy ra khỏi thị trường vay nợ quốc tế.

 

Nhằm lấy lại lòng tin của các nhà đầu tư, Chính phủ Hy Lạp cam kết áp dụng một loạt các biện pháp cắt giảm chi tiêu công. Nhưng hiện nay, với kỷ luật tài chính lỏng lẻo e rằng Hy Lạp khó mà tự cứu được mình.

 

Hy Lạp hiện đang lâm vào tình cảnh tương tự Lehman Brothers trước đây, khi dựa vào nguồn viện trợ bên ngoài trở thành con đường duy nhất. Nếu trước đây Mỹ đã không dang tay với Lehman Brothers, thì hiện nay, EU, đặc biệt là Đức - nền kinh tế lớn nhất Eurozone, cũng không đồng ý cứu Hy Lạp, lý do cũng vì không muốn tạo ra "rủi ro đạo đức" và không muốn nhận sự chỉ trích của dân chúng.

 

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của khủng hoảng nợ Hy Lạp có thể sẽ ngoài tầm dự đoán của EU. Nghiêm trọng hơn đó là các nhà đầu tư không chỉ hạ thấp Hy Lạp, mà còn xem nhẹ đồng EUR. Một số chuyên gia còn lo ngại nếu Hy Lạp không thể thanh toán các khoản nợ, các nhà đầu tư có thể sẽ nghi ngờ độ tin cậy của các nền kinh tế khác thuộc Eurozone vì phần nhiều các nước này đều đang có thâm hụt ngân sách lớn.

 

Nếu nói, khủng hoảng tài chính này có 3 giai đoạn, thì rất có thể phần 3 sẽ là khủng hoảng tín dụng nợ toàn cầu mà sự vỡ nợ của Hy Lạp, rồi châu Âu sẽ khai mào.  

 

Cúc Nhi