📞

Hygge - Bí quyết sống của người Đan Mạch

16:20 | 23/11/2016
“Trong những ngày đông lạnh giá, ngồi nhâm nhi một tách cà phê nóng trong không gian tràn ngập ánh nến, trò chuyện cùng những người thân yêu và cảm nhận cuộc sống thú vị từng giây phút trôi qua. Đó là chúng ta đang cảm nhận Hygge, một bí quyết sống của người Đan Mạch”,  Đại sứ Đan Mạch Charlotte Laursen chia sẻ.

Những khái niệm như Brexit hay Trumpism được từ điển tiếng Anh Collins  đánh giá là từ khóa của năm 2016. Điều này không quá ngạc nhiên, nhưng thuật ngữ Hygge còn đứng trên Brexit và Trumpism trong danh sách là một điều khá bất ngờ. Đại sứ có nghĩ rằng Đan Mạch đã “xuất khẩu” Hygge thành công ra với thế giới?

Đối với nhiều người Đan Mạch, “Hygge” dùng để chỉ việc tạo ra một không khí ấm cúng để có thể thưởng thức những điều hay, đẹp trong cuộc sống với bạn bè và gia đình. “Hygge” có ảnh hưởng mạnh mẽ trong cuộc sống của người Đan Mạch, đôi lúc, cảm giác Hygge chỉ cần là gia đình quây quần dùng bữa tối, uống cà phê dưới ánh nến lung linh, tận hưởng cảm giác đầm ấm và chia sẻ.

Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Charlotte Laursen.

Hygge có thể được tạo ra ở bất cứ đâu, trong nhà hay ngoài trời và không có nghĩa chỉ ở Đan Mạch. Hygge đơn thuần là một khái niệm chỉ cảm giác khi mỗi người dành thời gian cho những người mình yêu quý. Là cảm xúc nên rõ ràng là nó khó có thể được “xuất khẩu”. Tuy nhiên, nếu như mọi người trên thế giới hiểu được Hygge trong suy nghĩ của người Đan Mạch, cách chúng tôi trải nghiệm cũng như trân trọng những giá trị cuộc sống, có lẽ chúng tôi đã giới thiệu thành công Hygge ra thế giới bên ngoài.

Ở Đan Mạch, mùa cao điểm của Hygge là Giáng sinh và mùa Đông. Vào dịp Giáng sinh, chúng tôi có nhiều sự kiện truyền thống, các món ăn khác nhau để mọi người dành thời gian chia sẻ với nhau. Mùa Đông ở đất nước của chúng tôi rất khắc nghiệt, kéo dài, lạnh và tối. Phương thuốc tốt nhất để chống lại nó chính là Hygge. Vào mùa Hè, chúng tôi cũng có những hoạt động tận hưởng cuộc sống kiểu khác như dự hòa nhạc, đạp xe cùng các con trong công viên…

Bản thân Đại sứ trải nghiệm Hygge như thế nào tại Việt Nam? Khái niệm này đã thực sự đi vào trong lối sống của người Việt Nam chưa, thưa Đại sứ?

Với tôi, Hygge là mỗi chiều Chủ Nhật lạnh cùng các con đi dạo trong rừng hoặc công viên hay bãi biển, sau đó trở về nhà cùng nhấm nháp tách cà phê nóng, ăn miếng bánh ngọt và sẻ chia những câu chuyện nhỏ như học hành.

Trong thời đại công nghệ, trẻ con thường say sưa với máy tính, các chương trình truyền hình, nhiều khi tôi phải thuyết phục chúng để mấy mẹ con đi dạo cùng nhau. Ban đầu, chúng cũng phàn nàn nhưng sau khi cùng mẹ đi bộ, mỏi chân thì dừng lại uống cốc socola nóng, chúng lại có cảm giác thích thú và hạnh phúc. Hygge không nhất thiết phải là cảm giác giữa bố mẹ và con cái, các bạn trẻ cũng có thể tạo ra không khí Hygge với nhau như rủ nhau ra công viên uống bia, nghe nhạc... Ở thủ đô Copenhagen có nhiều công viên và lúc nào cũng đông kín người.

Tôi cảm nhận Hygge không xa lạ đối với người Việt Nam. Dịp tết cổ truyền của người Việt là dịp mà mỗi người dân nước bạn đều cảm nhận được Hygge. Tôi cho rằng người Việt rất biết cách tạo ra không khí Hygge. Mỗi buổi tối trên những con phố tấp nập ở Hà Nội, nhiều người quây quần quanh những cái bàn nhựa ăn uống, vui vẻ tận hưởng điều đó. Có thể các bạn Việt Nam không đặt cho nó một cái tên nhưng với tôi đó chính là Hygge.

Ngày 13/11 vừa qua, tôi tham gia sự kiện thắp sáng Hồ Gươm. Tôi nhận thấy một không khí vô cùng tuyệt vời, khi đường xá không có xe cộ qua lại, trẻ em vui chơi tự do, bố mẹ thư giãn, hạnh phúc cùng con sau những ngày làm việc căng thẳng. Hàng ngàn người cùng nhau tận hưởng không khí an lành ấy. Đó là không khí Hygge rất rõ nét ở Việt Nam.

Người Việt Nam chăm chỉ, cần cù, có lối sống giản dị và óc hài hước. Cách đây 12 năm, tôi giữ vị trí Phó Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam. Khi kết thúc nhiệm kỳ, tôi đã muốn trở lại. Có lẽ, chính con người, sự năng động của đất nước, sự gần gũi giữa hai dân tộc đã thôi thúc tôi trở lại và gắn bó với Việt Nam, nơi tôi cũng luôn cảm nhận được không khí Hygge.

Hygge có mối quan hệ như thế nào với thương hiệu quốc gia hạnh phúc nhất trên thế giới của Đan Mạch? Những kinh nghiệm của Đan Mạch chia sẻ với Việt Nam?

Đúng là Hygge tạo ra cảm giác hạnh phúc nhưng đây không phải là yếu tố duy nhất để Đan Mạch trở thành quốc gia hạnh phúc nhất trên thế giới. Bên cạnh Hygge còn có những yếu tố làm nên thương hiệu này như niềm tin mà người Đan Mạch dành cho nhau trong xã hội, hệ thống dân chủ, giáo dục và y tế miễn phí cũng như môi trường sống trong lành, ngành công nghiệp xanh, bền vững, phúc lợi xã hội đảm bảo… Ngay ở vùng nông thôn của Đan Mạch có những cửa tiệm không có chủ quán, người mua tự lấy hàng và trả tiền. Chúng tôi luôn dành cho nhau một niềm tin và dành niềm tin vững mạnh cho chính phủ cũng như hệ thống y tế, giáo dục và thuế.

Rất khó có thể so sánh Việt Nam và Đan Mạch, hai nước đến với nhau từ những xuất phát điểm khác nhau. Nhìn lại những thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu vô cùng ấn tượng về xã hội và kinh tế, người dân làm việc chăm chỉ để đạt được mức sống như hiện nay. Có lẽ, để người dân cảm nhận được cuộc sống hạnh phúc hơn, Chính phủ Việt Nam nên tập trung vào các lĩnh vực mà Đan Mạch coi là trọng tâm như môi trường, an toàn thực phẩm, y tế, giáo dục, tăng cường an sinh xã hội và xây dựng niềm tin trong cộng đồng.

Năm nay, hai nước kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao, đây là dịp để chúng ta nhìn lại chặng đường đã qua, đặc biệt chặng đường 25 năm sau khi hai nước thúc đẩy mạnh mẽ các chương trình phát triển. Đây cũng là dịp để hai nước định hình hướng hợp tác song phương. Quan hệ Việt Nam – Đan Mạch đang ở thời điểm nền tảng vững chắc nhất cho những phát triển trong tương lai. Bên cạnh kinh tế, chúng tôi muốn chia sẻ nhiều hơn nữa kinh nghiệm về y tế, môi trường, giáo dục,… với Việt Nam. Đặc biệt, chúng tôi muốn thúc đẩy trao đổi nhân dân, xuất khẩu văn hóa song phương để người dân Đan Mạch và Việt Nam có thể cùng nhau cảm nhận không khí Hygge.