Tổng giám đốc IAEA lo ngại khả năng tàu ngầm hạt nhân của Australia trong khuôn khổ AUKUS có thể tạo tiền lệ cho việc mua lại các công nghệ hạt nhân trên toàn thế giới. (Nguồn: Reuters) |
Tổng giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi đưa ra cảnh báo trên trong bài phát biểu tại Đại học Quốc gia Australia tối 5/7.
Ông Grossi đang có chuyến công tác tại Australia để bảo đảm thỏa thuận tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân giữa nước này, Mỹ và Anh (AUKUS) không vi phạm các cam kết không phổ biến hạt nhân của Canberra.
Tổng giám đốc IAEA cho biết, cơ quan này phải "được đảm bảo" rằng, việc mua tàu ngầm hạt nhân của Australia nằm trong các nghĩa vụ bảo vệ của nước này. Điều này có nghĩa là vật liệu hạt nhân được sử dụng trong khuôn khổ AUKUS sẽ không được sử dụng cho các mục đích khác ngoài động cơ hải quân.
Bày tỏ tin tưởng ba nước tham gia AUKUS sẽ có thể đạt được yêu cầu trên, ông Grossi nói: "Việc các bên hợp tác với IAEA ở giai đoạn này, ngay khi quan hệ đối tác của họ chưa được thiết lập đầy đủ, là dấu hiệu cho thấy rằng, họ xác định các cam kết không phổ biến vũ khí hạt nhân là một phần không thể thiếu trong quan hệ".
Khi dự án bước vào giai đoạn kỹ thuật hơn, nó sẽ đòi hỏi nhiều tương tác và cam kết hơn nữa từ ba bên, để IAEA có thể hoàn thành trách nhiệm của mình và hiểu tất cả các vấn đề và thách thức nội tại đối với nhiệm vụ xác minh việc sử dụng vật liệu hạt nhân cho mục đích hòa bình.
Tuy nhiên, theo ông Grossi, khả năng tàu ngầm hạt nhân của Australia có thể tạo tiền lệ cho việc mua lại các công nghệ hạt nhân trên toàn thế giới, khi các quốc gia khác như Brazil đã bày tỏ sự quan tâm về vấn đề động cơ hạt nhân của hải quân.
Năm ngoái, Australia đã hủy bỏ một thỏa thuận đóng tàu ngầm chạy bằng năng lượng thông thường với Pháp để chuyển sang ký thỏa thuận AUKUS. Thỏa thuận đánh dấu lần đầu tiên một quốc gia không có vũ khí hạt nhân sẽ có được tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Một số quốc gia, trong đó có Malaysia và Indonesia, đã bày tỏ lo ngại thỏa thuận có thể châm ngòi cho một cuộc “chạy đua vũ trang” hạt nhân.