Theo báo cáo trên, nước Cộng hòa Hồi giáo đã không vượt quá giới hạn về trữ lượng urani và nước nặng cũng như không làm giàu urani vượt quá giới hạn tinh khiết 3,67% được định rõ trong thỏa thuận.
Một báo cáo cuối năm ngoái của IAEA cũng khẳng định rằng Iran vẫn tuân thủ thỏa thuận hạt nhân JCPOA. Theo báo cáo được gửi tới các nước thành viên, Iran vẫn duy trì những hạn chế cần thiết trong các hoạt động hạt nhân, được áp đặt bởi thỏa thuận hạt nhân nêu trên.
Một khu vực trưng bày các tên lửa và chân dung của Nhà lãnh đạo Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei tại quảng trường Baharestan ở Tehran (Iran), ngày 27/9/2017. (Nguồn: Reuters) |
Cụ thể, tính đến ngày 5/11, kho urani độ giàu thấp của Iran ở mức 96,7 kg, thấp hơn nhiều so với mức giới hạn 202,8kg, và mức độ làm giàu không vượt quá 3,67%. Trong khi đó, kho nước nặng của Iran, một chất trung gian được sử dụng trong một loại lò phản ứng có thể sản xuất plutoni, ở mức 114,4 m3, thấp hơn mức giới hạn 130m3 trong thỏa thuận. Số lượng máy quay ly tâm làm giàu được lắp đặt tại địa điểm Natanz vẫn thấp hơn so với mức giới hạn là 5.060 máy.
Phát biểu cùng ngày 22/2, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi đã cảnh báo thỏa thuận hạt nhân giữa nước này và nhóm các cường quốc P5+1 đang bị đe dọa, trừ phi các doanh nghiệp và các ngân hàng nước ngoài có thể được tự do hoạt động giao thương tại Iran.
Phát biểu tại Viện nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh (Chatham House) ở thủ đô London, ông Araghchi nhấn mạnh chỉ trích thái độ tiêu cực của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Tehran và các cường quốc trên thế giới, đã tạo ra "bầu không khí tiêu cực", khiến các doanh nghiệp lo ngại, không dám làm ăn với Iran. Theo đánh giá của Iran, JCPOA là một câu chuyện không thành công và Tehran đã không được hưởng lợi từ việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh trừng phạt.
Ngoài ra, Thứ trưởng Araghchi cũng lên tiếng chỉ trích chính quyền Tổng thống Trump vi phạm JCPOA, đồng thời khẳng định Tehran không chấp nhận bất cứ sự thay đổi nào đối với thỏa thuận này, trong đó có việc tìm cách ràng buộc JCPOA với chương trình tên lửa đạn đạo của Iran.
Thứ trưởng Araghchi cũng phủ nhận ý kiến cho rằng Iran có thể sản xuất được vũ khí hạt nhân sau khi các điều khoản cam kết trong JCPOA hết hiệu lực trong vòng 10-15 năm tới, đồng thời cho biết những cam kết của Iran trong thỏa thuận JCPOA về việc sẽ không sản xuất vũ khí hạt nhân là không thay đổi.
JCPOA được Iran ký kết với nhóm P5+1 hồi tháng 7/2015, dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama. Theo thỏa thuận này, Tehran hạn chế các hoạt động làm giàu urani để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của quốc tế.
IAEA đảm nhận việc giám sát sự tuân thủ của Iran đối với thỏa thuận hạt nhân JCPOA. Tổ chức này đã nhiều lần chứng nhận Iran tuân thủ thỏa thuận. Tuy nhiên, ngày 13/10 vừa qua, Tổng thống Mỹ Trump tuyên bố không công nhận Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân và cho rằng thỏa thuận này quá nhân nhượng Tehran.