Năm 2008, ba ngân hàng lớn của Iceland bị nhà nước thâu tóm, khoảng 300.000 người dân trắng tay và tính thanh khoản bằng không |
Iceland có một lợi thế đáng kể so với những nước trong khu vực euro: có thể giảm giá đồng tiền riêng, biến thâm hụt ngân sách thành thặng dư và tạo thuận lợi cho quá trình hồi phục. Thành công của Iceland là một bài học sinh động về cái mà các nước euro từ bỏ khi họ gia nhập đồng tiền chung.
Đồng tiền của Iceland giảm giá phân nửa, thúc đẩy xuất khẩu và giảm nhập khẩu hàng đắt tiền, như là xe hơi. Đồng tiền yếu gây khó nếu vay bằng ngoại tệ, nhưng các nhà làm chính sách của Iceland điều chỉnh giảm thế chấp vay. Hàng ngoại đắt tiền cũng kích thích lạm phát. Giá tiêu dùng tăng 26% kể từ 2008.
Sự trợ giúp này chú trọng hệ thống tài chính. Nhưng không giống Ireland, Iceland để cho các ngân hàng của mình thất bại và làm cho những nhà cho vay nước ngoài chịu trách nhiệm nhận phần lỗ, mà không phải người đóng thuế.
Iceland cũng kiểm soát vốn nghiêm ngặt. Chính sách này bị ngăn cản trong học thuyết mở cửa biên giới tài chính của EU, nhưng nhờ đó tránh được những vụ tẩu tán vốn và tín dụng từng tác động đến Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha, và hiện thách thức khả năng hồi phục của Tây Ban Nha và Italy.
Thay vì vội vã cắt giảm chi tiêu - biện pháp gây chia rẽ người dân Hy Lạp và Tây Ban Nha, thì Iceland trì hoãn kế hoạch thắt chặt. Thậm chí chính phủ còn tăng phúc lợi xã hội cho những người dân nghèo nhất, và việc tiếp tục chi tiêu của những người này còn tạo thuận lợi cho kinh tế.
Theo Julie Kozack, hiện là chỉ huy bộ phận của IMF, “Chiến lược tổng thể đã rất, rất tốt cho Iceland, nhưng đây không phải là một mảnh, mà là một khối kết hợp các mảnh.”
Iceland chỉ có 320.000 dân, và cái có hiệu quả trong chính sách nước này có lẽ không thể tái tạo trên qui mô lớn hơn. Nền kinh tế mở của Iceland hướng đến thương mại nhiều hơn; năm rồi 52 tỉ euro xuất khẩu của Hy Lạp chiếm 24% GDP, trong khi tỉ trọng xuất khẩu của Iceland chiếm 59% GDP. Người Iceland điều hòa nhiệt độ trong nhà bằng năng lượng địa nhiệt, nhưng người Hy Lạp phải nhập năng lượng và chịu mức giá khổng lồ khi đồng tiền giảm giá.
Đầu tháng này, Iceland bán 1 tỉ USD trái phiếu kỳ hạn 10 năm với lãi suất 5,875%, thấp hơn lãi suất vay của Hy Lạp, Ireland hay Bồ Đào Nha. Hồi tháng 3, Iceland bắt đầu hoàn nợ vay của IMF trước hạn.
Phần nhiều khủng hoảng nợ euro bắt nguồn từ mất cân bằng kinh tế. Trong nhiều năm, Hy Lạp và Bồ Đào Nha chi tiêu nhiều hơn sản xuất, nên cần vay nước ngoài để lấp khoản thâm hụt. Khi nước ngoài ngừng cho vay, thảm họa xảy ra. Một rắc rối tương tự cũng đe dọa Tây Ban Nha.
Trong khu vực euro, khó mà điều chỉnh tình trạng mất cân đối vốn. Chính sách của khu vực này là giảm giá trong nước. Về lý thuyết, giảm lương làm công nghiệp xuất khẩu có nhiều khả năng cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài. Trên thực tế, giảm lương khó mà không tác động đến kinh tế nội địa.
Ở Ireland – thành công nhất trong các nước được trợ giúp thuộc khu vực euro - chính sách thúc đẩy tăng xuất khẩu nhưng với cái giá của thất nghiệp cao hơn và tiêu dùng nội địa thấp hơn. Ngược lại, ở Iceland, đồng tiền giảm giá buộc người dân mua hàng ngoại ít hơn và chuyển sang mua hàng trong nước.
Những chuyến tàu chở hàng xuất khẩu ra khơi, chất đầy cá tuyết, cá thu, cá perch, pollock và tôm… tươi, đông lạnh, ngâm muối…đem lại lợi nhuận bằng đồng euro và đô la. Khi đổi sang đồng tiền Iceland, lợi nhuận tăng vọt. Với tỉ lệ 125 kronur mỗi đô la, đồng tiền Iceland chỉ còn giá trị phân nửa so với năm 2007, khi một đồng đô la đổi hơn 60 kronur. Điều đó có nghĩa, đánh bắt cùng sản lượng cá nhưng giờ đây ngư dân kiếm tiền gấp đôi. Họ có thể tìm lối thoát từ lạm phát.
Các doanh nghiệp đánh cá chi ngoại tệ nhiều hơn cho nhiên liệu, trang bị và vốn, bù lại lợi nhuận cao hơn, và giá nhân công chế biến rẻ hơn nhiều. Trước khủng hoảng, nhà máy chế biến cá trả lương trung bình gần 20 euro/giờ, hiện là gần 10 euro/ giờ.
Sự trở dậy lúc ban đầu của Iceland không hề hoàn hảo. Iceland vẫn nghèo hơn so với trước khủng hoảng nợ. Theo nhà phân tích Jon Danielsson của trường Kinh tế London, lo ngại sâu sắc nhất của Iceland là tình trạng ế ẩm đầu tư, một phần từ sai lầm của chính sách kiểm soát vốn. Sự khan hiếm này có nghĩa là vốn không được đưa vào hoạt động, xây dựng các doanh nghiệp tương lai, dẫn đến sự sa sút dài hạn. Trên thực tế, mọi người đồng ý là Iceland phải chấm dứt kiểm soát vốn, cho dù ít có đồng thuận về khi nào và như thế nào. Trong số những câu hỏi đặt ra là mối quan hệ giữa Iceland với thế giới rộng lớn hơn. Từ năm 2008, nhiều người dân Iceland nghĩ đến việc gia nhập EU như là hy vọng tốt nhất để hồi phục kinh tế, nhưng giờ đây, triển vọng của Iceland sáng rõ hơn những nước bị khủng hoảng trong khu vực euro.
Theo SGTT