Hội nghị đối thoại Bộ trưởng Năng lượng các nước ASEAN và Cơ quan Năng lượng quốc tế (AMEM – IEA). (Ảnh: Cấn Dũng) |
Tham dự Hội nghị có Trưởng đại diện các phái đoàn quốc gia thành viên, Ban thư ký ASEAN, Giám đốc Trung tâm Năng lượng ASEAN, Trưởng đoàn đại biểu IEA Ông Mr. Fatih Birol.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Đặng Hoàng An cho biết, ASEAN đã trở thành một trong những khu vực phát triển kinh tế năng động nhất trên thế giới. Năm 2019, tổng dân số của ASEAN vào khoảng 650 triệu người dân, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt trên 3.200 tỷ USD và kim ngạch thương mại đạt khoảng 2.800 tỷ USD. Cùng với tốc độ phát triển kinh tế khả quan của khu vực là nhu cầu năng lượng cũng tăng lên nhanh chóng.
Điều này đặt ra những thách thức không nhỏ với tất cả các khía cạnh trong chính sách năng lượng của mỗi quốc gia thành viên là phải đáp ứng được nhu cầu năng lượng với chi phí phù hợp, đảm bảo an ninh năng lượng đồng thời đảm bảo các cam kết với quốc tế về phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
"Để đạt được các mục tiêu này, bên cạnh sự nỗ lực của từng quốc gia thành viên, chúng ta rất cần sự hỗ trợ của các đối tác phát triển, các tổ chức quốc tế bao gồm IEA", Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh.
Là đối tác chiến lược quan trọng của ASEAN, thông qua quá trình hợp tác sâu rộng với khu vực trong những năm qua, IEA đã có nhiều hoạt động hỗ trợ khu vực ASEAN giúp giải quyết các thách thức về năng lượng đối với tất cả các loại nhiên liệu và công nghệ và những vấn đề liên quan bao gồm các nghiên cứu để tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, thu hút vốn đầu tư tư nhân trong lĩnh vực truyền tải điện, xây dựng năng lực thu thập dữ liệu và thống kê năng lượng cho các quốc gia thành viên ASEAN.
Bên cạnh các hỗ trợ trực tiếp về kỹ thuật, với quan hệ thể chế ASEAN-IEA ngày càng trở nên bền chặt, IEA cũng có nhiều đóng góp quan trọng và tích cực trong thực hiện các nghiên cứu, rà soát sửa đổi và đề xuất các chính sách năng lượng giúp các quốc gia thành viên ASEAN phát triển ngành năng lượng theo hướng hội nhập quốc tế.
Trong đó phải kể đến việc thúc đẩy các ưu tiên năng lượng của ASEAN, xây dựng báo cáo triển vọng năng lượng Đông Nam Á, các nghiên cứu về mua bán điện đa phương, hỗ trợ xây dựng khung pháp lý để phát triển thị trường năng lượng khu vực.
Thời gian vừa qua, dù có những ảnh hưởng không nhỏ của dịch bệnh Covid-19, IEA vẫn hỗ trợ ASEAN triển khai đầy đủ các nội dung và hoạt động hợp tác mang lại kết quả tốt, đặc biệt là các hoạt động ưu tiên thực hiện trong năm 2020.
Tại Hội nghị đối thoại, các đại biểu đã chia sẻ, trao đổi và thảo luận để tiếp tục thực hiện các nội dung của Chương trình hợp tác 3 năm 2019-2021(Threeear Rolling Work Programme) giữa IEA và ASEAN nhằm góp phần đạt được mục tiêu vì một ASEAN hòa bình, thịnh vượng và bền vững.
Chiều 19/11, Diễn đàn Doanh nghiệp Năng lượng ASEAN 2020 đã được tổ chức bên lề Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN lần thứ 38. Đây là sự kiện thường niên và là nơi để các nhà hoạch định chính sách cấp cao ASEAN và các tổ chức, doanh nghiệp toàn cầu tham gia thảo luận về các vấn đề liên quan tới hợp tác đối tác công tư (PPP), trao đổi về các giải pháp để giải quyết vấn đề an ninh năng lượng, tiếp cận và chuyển đổi năng lượng của ASEAN trong bối cảnh toàn cầu về sự phục hồi từ đại dịch Covid-19 và biến động của giá dầu và khí. Trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp Năng lượng ASEAN 2020 đã diễn ra Lễ trao Giải thưởng Năng lượng ASEAN 2020. Đây là sự kiện thường niên, được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2000 với mục tiêu tăng cường nhận thức và thúc đẩy sự tham gia nhiều hơn của khối tư nhân vào lĩnh vực năng lượng khu vực ASEAN. |