📞

Ig Nobel 2016: Mặc quần cho chuột, biến mình thành dê

23:05 | 24/09/2016
Một người lắp thêm chân tay giả để biến thành dê và một người mặc quần cho chuột để nghiên cứu tác động của vải lên đời sống tình dục của chuột vừa lọt vào nhóm nhận giải Ig Nobel năm nay.

1.100 khách mời dự lễ trao giải năm nay diễn ra hôm qua tại Nhà hát Sanders thuộc Đại học Harvard (Mỹ) - nơi những người chiến thắng 10 hạng mục được giới thiệu bởi những người giành giải Nobel thực sự.

Ông Thomas Thwaites đi lại, ăn uống như loài dê. (Ảnh: Tim Bowditch)
Vào mùa giải thứ 26, Ig Nobel vẫn được trao cho những khám phá “khiến mọi người cười, sau đó phải suy nghĩ”. Được tổ chức bởi tạp chí Biên niên sử của những nghiên cứu không thể xảy ra, Ig Nobel nhằm “tán dương những nghiên cứu khác thường, vinh danh những nghiên cứu giàu trí tưởng tượng và kích thích sự hứng thú của mọi người đối với khoa học, y học và công nghệ”.

Nhà tiết niệu học người Ai Cập, TS. Ahmed Shafik, đã cho chuột mặc quần làm từ vải polyester, cotton, len và chất liệu tổng hợp, có khoét lỗ ở đuôi. Sau đó, ông phát hiện ra rằng điều này “làm giảm đáng kể” hoạt động tình dục của chuột. TS Shafik cho rằng, nguyên nhân có thể do giảm trường tĩnh điện xung quanh bộ phận sinh dục của chuột.

Hai người Anh, gồm Thomas Thwaites và Charles Foster, cùng nhận giải Sinh học. Thwaites dành 3 ngày sống với một đàn dê. Ông lắp thêm chân tay giả để có thể đi bằng 4 chân và gặm cỏ cùng đàn dê trong một trang trại trên dãy núi Alps. Đến dự lễ trao giải trên những chiếc tay giả, Thwaites nói rằng, giải này là “vinh dự lớn”.

“Tôi đã quá mệt mỏi với tất cả những lo lắng và đau đớn mà một con người phải chịu đựng, vì thế tôi quyết định sẽ bỏ lại tất cả phía sau để đi nghỉ và trở thành một con dê”, Thwaites nói tại buổi lễ.

Ông nói rằng, lúc đầu ông chỉ định trốn khỏi áp lực của cuộc sống hiện đại, nhưng điều này sau đó trở thành đam mê. Ông dành cả năm để nghiên cứu ý tưởng, và sau đó thuyết phục một chuyên gia về chân tay giả làm cho ông bộ chân tay giả để có thể di chuyển như dê.

Là nghiên cứu sinh tại Đại học Oxford, Foster cũng sống trong thiên nhiên hoang dã và cố nhìn mọi thứ dưới con mắt của con lửng, rái cá, cáo, hươu đỏ và chim sâu, để phục vụ đề tài nghiên cứu “Being a Beast” (Là một dã thú).

“Chúng ta có 5 giác quan tuyệt vời. Thông thường, chúng ta chỉ sử dụng một giác quan là thị giác. Đó là lăng kính méo mó vì liên quan đến nhận thức của chúng ta. Điều đó nghĩa là chúng ta chỉ nhận được 20 thông tin vì chúng ta nén cả thế giới phi thường này lại”, Foster nói trước các khán giả dự lễ trao giải. “Động vật làm điều đó tốt hơn”, ông nói.

Nhà nghiên cứu  khoa học từ 4 quốc gia (Hungary, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Thụy Sĩ) nhận giải Ig Nobel Vật lý cho hai khám phá: Vì sao những con ngựa trắng rất giỏi đuổi ruồi trâu, và tại sao chuồn chuồn rất thích lao vào bia mộ màu đen, dù việc này có thể khiến chúng mất mạng.

Những giải thưởng khôi hài khác

- Giải Kinh tế thuộc về Mark Avis và các đồng nghiệp với đề tài đánh giá năng lực lĩnh hội của đá xét từ quan điểm bán hàng và marketing.

- Giải Hóa học thuộc về hãng Volkswagen vì giải quyết được vấn đề xả khí thải quá mức ở xe hơi bằng cách cho xe xả thải ít hơn khi bị kiểm tra.

- Giải Y học thuộc về Christoph Helmchen và các đồng nghiệp với phát hiện rằng, nếu bị ngứa bên nửa trái cơ thể, có thể khắc phục bằng cách soi gương rồi gãi phần bên phải cơ thể (và ngược lại).

- Giải Tâm lý thuộc về Evelyne Debey và các đồng nghiệp với công trình hỏi hàng ngàn người nói dối rằng họ nói dối với tần suất như thế nào, để từ đó rút ra kết luận có nên tin những câu trả lời đó không.

- Giải Hòa bình thuộc về Gordon Pennycook và các đồng nghiệp với nghiên cứu mang tên “Về việc tiếp nhận và phát hiện những chuyện nhảm nhí giả danh thâm thúy”.

- Giải Văn học được trao cho Fredrik Sjoberg với tác phẩm tự truyện 3 kỳ về thú vui của việc thu thập ruồi chết và ruồi chưa chết.

- Giải Nhận thức về tay Atsuki Higashiyama và Kohei Adachi với nghiên cứu liệu mọi vật nhìn có khác đi khi người ta bẻ cong chúng hay nhìn chúng qua hai chân.

 

(theo Dân trí)