IMF nêu bật những thách thức đối với kinh tế Đức. (Nguồn: Getty) |
Ngày 10/10, nhà kinh tế trưởng Pierre-Olivier Gourinchas của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng, chế tạo là một trong các lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế Đức đang chịu tổn thất lớn.
Nhà kinh tế trên cho hay, lĩnh vực chế tạo, vốn tiêu thụ nhiều năng lượng, trước đây phụ thuộc lớn vào nguồn cung từ Nga nhưng hiện đã cạn kiệt.
Ngoài ra, theo ông, việc thắt chặt chính sách tiền tệ và bối cảnh lạm phát gia tăng cũng khiến hoạt động đầu tư suy yếu tương đối và suy giảm sản lượng kinh tế. Đó là chưa kể, Berlin cũng đang phải đối mặt với các vấn đề cơ cấu dài hạn như xã hội già hóa và thiếu hụt lao động có tay nghề.
Trong khi đó, theo báo cáo cập nhật Triển vọng kinh tế thế giới (WEO) công bố cùng ngày, IMF cho biết, Đức sẽ rơi vào một cuộc suy thoái trầm trọng hơn dự báo trước đó, mặc dù có dấu hiệu phục hồi, nhưng có thể yếu.
Đức sẽ là nền kinh tế duy nhất trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) không đạt được tăng trưởng trong năm 2023. IMF dự báo tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất châu Âu, vốn bị tác động do lạm phát cao, kéo dài và sản xuất trì trệ, sẽ giảm 0,5% trong năm nay, cao hơn so với dự báo của quỹ này đưa ra hồi tháng 7 vừa qua là 0,3%.
Định chế tài chính có trụ sở tại Washington cho biết, Berlin đang phải đối mặt với nhiều trở ngại, bao gồm sự yếu kém trong các lĩnh vực nhạy cảm bị tác động bởi lãi suất cao và nhu cầu của đối tác thương mại chậm hơn.
Nền kinh tế quốc gia Tây Âu sẽ phục hồi vào năm 2024 và đạt tăng trưởng 0,9%, nhưng dự báo này vẫn ảm đạm hơn so với mức tăng 1,3% đưa ra trước đó.