Một cặp vợ chồng Indonesia bên ngôi mộ mới xây của con gái nhỏ vừa qua đời vì Covid-19. (Nguồn: Straits Times) |
Cô Tirsa Manitik (32 tuổi) hạ sinh con gái đầu lòng tên Beverly vào tháng 6 năm nay nhưng chỉ sau một tháng, chính cô đã phải tự tay chôn cất con mình. Bé gái đã không may mắn qua đời sau thời gian ngắn được chẩn đoán dương tính với biến thể Delta.
Tirsa Manitik nghẹn ngào bật khóc: “Trái tim tôi hoàn toàn tan nát. Nỗi đau quá lớn. Tôi nhớ con bé hằng ngày”.
Hiệp hội Nhi khoa quốc tế và Tổ chức phi chính phủ Save the Children cho biết, Indonesia là một trong những quốc gia châu Á có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 ở trẻ nhỏ cao nhất thế giới. Hiện quốc gia này có khoảng 400.000 người ở độ tuổi dưới 17 nhiễm Covid-19.
Cũng theo Bộ Y tế Indonesia, biến thể Delta đã khiến hơn 1.200 trẻ em nước này tử vong, gần một nửa trong số đó là dưới 1 tuổi.
Theo các chuyên gia y tế, chế độ dinh dưỡng kém, chăm sóc sức khỏe không đầy đủ và tỷ lệ tiêm chủng thấp là những yếu tố chính khiến các ca bệnh nặng gia tăng ở trẻ em.
Nhiều cha mẹ cũng vô tình cho trẻ tiếp xúc với các thành viên gia đình và bạn bè bị nhiễm bệnh khiến nguy cơ mắc ngày càng cao
Cô Tirsa cho biết, rất nhiều người thân, họ hàng đã đến thăm và chúc mừng gia đình cô khi có thêm thành viên mới. Nhưng chẳng bao lâu sau, niềm vui đã nhanh chóng chuyển thành cơn ác mộng khi rất nhiều người đã từng đến thăm bé sau đó được phát hiện dương tính với virus SARS-CoV-2.
Khi các ca bệnh tăng vọt ở thủ đô Jakarta, cô Tirsa đã phải chạy từ bệnh viện này sang bệnh viện khác trong nỗ lực tuyệt vọng để con gái được điều trị. “Tôi đã rất thất vọng khi chúng tôi hoàn toàn bị quay lưng”, cô nói.
Cuối cùng, nhờ một người bạn trong ngành, cô đã tìm được một cơ sở điều trị khi bệnh tình của bé Beverly đã chuyển nặng vì Covid-19. Bất chấp những nỗ lực của gia đình và các bác sĩ, bé Beverly đã qua đời 1 tuần sau khi được chuyển vào khu chăm sóc đặc biệt. Chỉ vài ngày sau đó, ông nội cô bé cũng thiệt mạng vì Covid-19.
Cô nói: “Tất cả chúng tôi đều đã rất hạnh phúc khi con chào đời. Tôi không muốn đổ lỗi cho người thân của mình vì chúng tôi vẫn chưa biết virus là từ ai mang đến”.
Hiện mới chỉ có 10% trong số 270 triệu người dân Indonesisa được tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine Covid-19 thông qua các chương trình tiêm chủng mở rộng.
Tháng trước, quốc gia này đã bắt đầu tiêm chủng cho người từ 12 đến 17 tuổi, phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ.