"Bị phá hoại, thiếu kinh phí và lỗi kỹ thuật là nguyên nhân khiến hệ thống phao cảnh báo sóng thần hiện không hoạt động", Phát ngôn viên của cơ quan thảm họa quốc gia, ông Sutopo Purwo Nugroho, nói với Channel News Asia. Ông này cho biết thêm, hệ thống đã không phát đi cảnh báo khi sóng thần ập vào bờ biển Sunda hôm 22/12.
Ông Nugroho cho rằng cần phải triển khai hệ thống "được kích hoạt khi có lở đất dưới đáy biển và núi lửa phun trào" để đảm bảo rằng Indonesia được cảnh báo sóng thần từ sớm. Hiện nay, nước này chưa có hệ thống cảnh báo nào như vậy.
Phát ngôn viên của cơ quan thảm họa quốc gia dẫn chứng ví dụ về các trận động đất trước đây khiến đáy biển sạt lở và gây ra sóng thần, trong đó có thảm họa ở Palu mới xảy ra hồi cuối tháng 9 vừa qua.
Nhà cửa và tài sản của người dân bị phá hủy sau trận sóng thần ập vào bờ biển Sunda ngày 22/12 mà không có cảnh báo trước. (Nguồn: AP) |
Ông Nugroho nói thêm: "127 ngọn núi lửa, chiếm 13% số núi lửa trên thế giới, tập trung ở Indonesia. Một vài núi lửa là các đảo nhỏ hoặc nằm dưới đáy biển mà khi phun trào có thể tạo ra sóng thần". Đây là thách thức đối với chính phủ và các viện nghiên cứu trong việc phát triển hệ thống cảnh báo.
Hiện tại, quốc gia vạn đảo chỉ có một hệ thống cảnh báo được kích hoạt khi có động đất được xây dựng từ năm 2008, vài năm sau khi trận động đất mạnh 9,3 độ tạo ra sóng thần ập vào thành phố Banda Aceh, đảo Sumatra năm 2004. Thảm họa đã cướp đi sinh mạng của 168.000 người Indonesia và 250.000 người khác ở khu vực lân cận, theo Channel News Asia.
Các thảm họa thiên nhiên khác, bao gồm sạt lở đất, núi lửa phun trào, cháy rừng, hạn hán và lốc xoáy cũng cần có hệ thống cảnh báo tiên tiến, ông Nugroho nhận định.
Khác với những cơn sóng thần thông thường được gây ra bởi động đất, một vụ lở đất diễn ra dưới đáy biển do hoạt động địa chất của núi lửa Anak Krakatoa được cho là nguyên nhân dẫn đến cơn sóng thần ập đến một số nơi ở eo biển Sunda ngày 22/12. Điều này khiến cho không có cảnh báo nào được đưa ra trước khi cơn sóng ập tới.
Thảm họa khiến ít nhất 281 người thiệt mạng và các chuyên gia cảnh báo một trận sóng thần khác có thể sẽ tấn công Indonesia khi núi lửa Anak Krakatoa tiếp tục hoạt động.