📞

Indonesia: Hết dè dặt trong AC

07:19 | 12/12/2015
Tổng thống Indonesia Joko Widodo gắn liền với hình ảnh là một chính trị gia chuộng “hướng nội” và dè dặt “hướng ngoại”, kể cả trong việc hướng tới Cộng đồng ASEAN (AC). Nhưng khi năm 2015 chỉ còn tính bằng ngày, nỗ lực của Indonesia trong AC cho thấy một bức tranh hoàn toàn khác.
Indonesia hiện cung cấp khoảng 222 nghìn xe ô tô mỗi năm vào thị trường ASEAN và mong muốn tăng lượng xuất khẩu sau khi AEC ra đời.

 

Trong khi Thái Lan, thậm chí là Malaysia bị “chê” trong quá trình xây dựng AC thì Tổng thống Widodo lại có thể tự hào “khoe” chiến tích tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 27 tại Kuala Lumpur: Indonesia đã hoàn thành 94% các dòng hành động. Ông nói, đây là sự chuẩn bị tối đa mà người dân đất nước vạn đảo có thể làm được.

Mặn mà với Biển Đông

Theo tờ The Nation, mặc dù là Chủ tịch Trung tâm Chuẩn bị Cộng đồng ASEAN (PCAC) nhưng Thái Lan dường như vẫn ì ạch trong việc thực hiện các cam kết của Cộng đồng, đặc biệt là trụ cột kinh tế.

Về phía Malaysia, theo ông Sanchita Basu Das, chuyên gia ASEAN thuộc Viện Nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak (Singapore), nước Chủ tịch ASEAN 2015 chưa thực sự làm tròn trách nhiệm của người cầm lái đoàn tàu ASEAN trong năm quan trọng này khi chưa điều phối tốt để ASEAN đạt được đồng thuận về vấn đề Biển Đông.

Có lẽ, Indonesia đang muốn làm thay vai trò điều phối của Malaysia. Nước này giữ lập trường trung lập, không đứng về bên nào trong tranh chấp nhưng khi căng thẳng ở Biển Đông leo thang sau sự kiện tàu khu trục của Mỹ đi vào vùng biển 12 hải lý xung quanh đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp phi pháp thì Indonesia đã thay đổi thái độ. Cuối tháng 10/2015, Indonesia đã cử bảy tàu chiến và máy bay tuần tra hàng hải tới các đảo thuộc quần đảo Natuna của Indonesia trên Biển Đông. Đây được coi như là một hành động thể hiện thông điệp tự do hàng hải của chính quyền quốc đảo.

Bên cạnh đó, Indonesia đang tiếp tục vai trò trung gian hòa giải trong tranh chấp Biển Đông khi nỗ lực kêu gọi các nước liên quan tham gia đàm phán Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC). Indonesia khuyến khích các bên giải quyết bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình.

Đón đầu cơ hội kinh tế

Về kinh tế, là quốc gia có số dân và nền kinh tế lớn nhất ASEAN, Chính phủ và doanh nghiệp Indonesia đã và đang nỗ lực hiện thực hóa các chính sách để đón đầu AEC. Đất nước vạn đảo đưa ra Kế hoạch Đẩy mạnh và Mở rộng Phát triển Kinh tế Tổng thể (MP3EI) nhằm chuẩn bị khung tài chính toàn diện, cải thiện hệ thống pháp lý liên quan tới đầu tư nước ngoài và nỗ lực ổn định ngành công nghiệp quốc gia. Bên cạnh đó, Chính phủ ban hành và triển khai Chỉ thị số 11 năm 2011 của Tổng thống về việc thực hiện các Cam kết trong AEC tới năm 2015 và Chỉ thị số 6 năm 2014 của Tổng thống về việc Tăng cường năng lực cạnh tranh.

Cùng với đó, nhằm tiếp sức cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Chính phủ Indonesia đang nỗ lực tăng cường chuyển giao công nghệ, cho phép các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể sáng tạo hơn và tăng năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế.

Giới doanh nghiệp Indonesia cũng có cùng tiếng nói tích cực hướng tới AEC. Họ mong ngóng cơ hội tiếp cận nhiều thị trường khu vực với các cơ chế “dễ thở” hơn trong khuôn khổ AEC. Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp ô tô Indonesia Noegardjito cho rằng, một thị trường chung ASEAN là cơ hội “vàng” để ngành công nghiệp ô tô của nước này có thể mở rộng thị trường. Hiện nay, Indonesia cung cấp khoảng 222 nghìn xe ô tô mỗi năm vào thị trường ASEAN trong khi nhu cầu ô tô của khu vực đang ở khoảng 3,2 triệu xe/năm.

Về nỗ lực thực hiện các Thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRA), cuối tháng 11 vừa qua, bà Iftida Yasar Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Indonesia đã đưa ra đề xuất là Chính phủ nên bắt đầu đặt tiêu chuẩn năng lực vào trong các chương trình giảng dạy tại các trường trung học, cao đẳng dạy nghề để chuẩn bị lực lượng lao động cho tương lai.

Cải thiện chính sách giáo dục và du lịch

Trong lĩnh vực giáo dục và du lịch, Indonesia đặt ra những kế hoạch dài hạn nhằm đảm bảo có được tư thế vững chắc trong quá trình hội nhập AC. Đầu tháng 12, theo Jakarta Post, Chính phủ nước này quyết định đưa chương trình giảng dạy song ngữ (tiếng Bahasa Indonesia và tiếng Anh) vào đào tạo cấp đại học từ đầu năm 2017.

“Các chương trình giảng dạy được thiết kế sử dụng hệ thống ngôn ngữ kép nhằm chuẩn bị cho thế hệ tương lai hành trang vững chắc để cạnh tranh trong AEC”, Bộ trưởng Bộ Nghiên cứu, Công nghệ và Đại học Muhammad Nasir chia sẻ. Theo ông Nasir, người dân các nước láng giềng như Thái Lan, Philippines vốn đã quen với xã hội đa ngôn ngữ, họ cũng đang học tiếng Bahasa Indonesia.

Là quốc gia có thế mạnh về du lịch, Bộ Du lịch nước này đang có kế hoạch làm việc với đối tác tại các nước ASEAN để kết nối các điểm du lịch trong khu vực. Indonesia mong muốn với các gói du lịch tích hợp, nước này có thể chào đón 12 triệu lượt khách du lịch nước ngoài trước năm 2019.

Ông Lokot Ahmad Enda, một quan chức của Bộ Du lịch Indonesia phụ trách về phát triển điểm đến du lịch văn hóa cho rằng, hội nhập du lịch trong ASEAN là cần thiết. Du lịch là một công cụ phát triển kinh tế, và từ lâu đã được xác định là một trong 12 lĩnh vực ưu tiên giúp tăng cường hội nhập ASEAN. Theo báo cáo của Trung tâm EU, du lịch đóng góp khoảng 256 tỷ USD cho GDP của ASEAN, tổng lượng khách du lịch đến ASEAN năm 2014 là 105 triệu người và lượng khách du lịch tới Indonesia chiếm 35%.

Trước tham vọng của Chính phủ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch và Lữ hành Indonesia Asnawi Bahar chia sẻ các doanh nghiệp đã sẵn sàng cho quá trình hội nhập du lịch. Xu hướng tích hợp các tour du lịch cũng sẽ giúp Indonesia tiếp cận khách du lịch Trung Đông, vốn đang ưa chuộng du lịch Malaysia hơn.

Rõ ràng là ngoại giao ASEAN vẫn đóng vai trò quan trọng trong chính sách của Indonesia. Theo PGS.TS Phạm Quang Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội, mặc dù chăm lo cho đối nội nhưng chính quyền của Tổng thống Widodo vẫn không quên đầu tư cho ASEAN và coi đây như một công cụ để vươn ra hội nhập với khu vực và thế giới.

Phạm Hằng (tổng hợp)