Indonesia kêu gọi ASEAN đưa ra các quyết định, đặc biệt trong khuôn khổ AMM-54 lần này, để bổ nhiệm đặc phái viên tới Myanmar với những nhiệm vụ rõ ràng. (Nguồn: Reuters) |
Trong thông cáo báo chí sau phiên khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54 (AMM-54), Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho biết, việc bổ nhiệm đặc phái viên là một trong 5 điểm đồng thuận được các nhà lãnh đạo ASEAN nhất trí trong cuộc họp hồi tháng 4 vừa qua nhằm hỗ trợ giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị ở Myanmar.
Ngoại trưởng Indonesia nhấn mạnh, cho đến nay vẫn chưa có bước tiến đáng kể nào trong việc thực hiện 5 điểm đồng thuận.
Indonesia kêu gọi ASEAN đưa ra các quyết định, đặc biệt trong khuôn khổ AMM-54 lần này để bổ nhiệm đặc phái viên tới Myanmar với những nhiệm vụ rõ ràng.
Đồng thời, Ngoại trưởng Indonesia nhắc lại cam kết của quân đội Myanmar trong việc cung cấp đầy đủ quyền tiếp cận với các bên cho đặc phái viên và quyền tự do đi lại để hoàn thành nhiệm vụ.
Nếu cuộc họp lần này không đưa ra được các biện pháp cụ thể để thực hiện 5 điểm đồng thuận, cụ thể là việc bổ nhiệm đặc phái viên, thì Indonesia đề xuất sẽ đưa vấn đề này lên các nhà Lãnh đạo ASEAN để đưa ra phương hướng giải quyết.
AMM-54 được tổ chức một ngày sau khi Myanmar thành lập chính phủ tạm quyền theo sắc lệnh của Hội đồng điều hành nhà nước (SAC). Chính phủ mới của Myanmar do Tổng Tư lệnh quân đội Myanmar, Thống tướng Min Aung Hlaing, làm Thủ tướng.
Dự kiến Myanmar sẽ tổ chức cuộc tổng tuyển cử mới vào nửa cuối năm 2023. Thống tướng Min Aung Hlaing khẳng định sẽ tổ chức cuộc bầu cử đa đảng và chính phủ mới của Myanmar sẵn sàng hợp tác với bất kỳ đặc phái viên nào đến từ ASEAN.
Thứ trưởng Ngoại giao Brunei Erywan Yusof được cho là ứng cử viên hàng đầu cho vai trò đặc phái viên ASEAN tại Myanmar. Indonesia và Singapore ủng hộ ông Erywan cho vai trò này và đã tích cực thúc đẩy trong khuôn khổ AMM-54.
Brunei cũng là nước Chủ tịch ASEAN năm nay, vì vậy, việc bổ nhiệm Thứ trưởng Ngoại giao Brunei cho vai trò đặc phái viên cũng rất phù hợp. Tuy nhiên, cho đến nay, phía Myanmar vẫn chưa lên tiếng ủng hộ đề cử này.
Phía Indonesia phản đối cựu Thứ trưởng Ngoại giao Thái Lan Virasakdi Futrakul trở thành đặc phái viên ASEAN tại Myanmar. Trong khi đó, Thống tướng Myanmar Min Aung Hlaing đã công khai ủng hộ đề cử này vào ngày 1/8.
Các ứng cử viên khác cho vai trò đặc phái viên ASEAN là cựu Ngoại trưởng Indonesia Hassan Wirajuda và cựu Đặc phái viên của Liên hợp quốc về Myanmar Razali Ismail. Ông Razali Ismail là người Malaysia và là Đặc phái viên của Liên hợp quốc về Myanmar những năm 2000.
| Campuchia kêu gọi ASEAN duy trì các tiến bộ về xóa đói giảm nghèo Ngày 3/8, thông cáo báo chí của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao và hợp tác quốc tế Campuchia Prak Sokhonn đã nhấn ... |
| Indonesia kêu gọi ASEAN hợp tác phục hồi toàn diện hậu đại dịch Covid-19 Bộ trưởng Điều phối các vấn đề chính trị, pháp lý và an ninh Indonesia Mahfud MD kêu gọi Hiệp hội các quốc gia Đông ... |