Chủ tịch Ủy ban đàm phán RCEP của ASEAN, đồng thời là Tổng cục trưởng Đàm phán Thương mại Quốc tế thuộc Bộ Thương mại Indonesia - ông Iman Pambagyo. |
Ông Iman Pambagyo, Chủ tịch Ủy ban đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) của ASEAN, đồng thời là Tổng cục trưởng Đàm phán Thương mại Quốc tế thuộc Bộ Thương mại Indonesia nhận định, nếu được ký kết đúng lịch trình vào tháng 11 tới, thỏa thuận này sẽ gửi một thông điệp “rõ ràng” và “rất mạnh mẽ” trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 gây suy thoái kinh tế toàn cầu.
Ông Pambagyo cho rằng, trước thực tế nhiều chính phủ và cộng đồng bày tỏ hoài nghi hệ thống thương mại đa phương, việc ký thỏa thuận sẽ “khẳng định quyết tâm” mở rộng và làm sâu sắc thêm liên kết kinh tế khu vực. Thỏa thuận có thể có hiệu lực 2-3 năm sau khi ký kết, song ở giai đoạn đại dịch Covid-19 hiện nay, việc ký thỏa thuận sẽ gửi “tín hiệu chính trị rất mạnh mẽ” và đây là cách để xua tan những nghi ngại mà các bên có thể có trong quá trình đàm phán.
Liên quan những khó khăn trong quá trình đàm phán RCEP, ông Iman cho biết thách thức là làm thế nào để cân bằng lợi ích giữa các quốc gia. Tuy vậy, các nước tham gia đàm phán đã cố gắng đạt đến giai đoạn này với rất ít vấn đề cần phải giải quyết. Do đó, ông tin tưởng rằng RCEP sẽ được ký kết vào tháng 11 tới và trở thành một trong những thành tựu chính của Năm Chủ tịch ASEAN 2020 do Việt Nam đảm nhận.
Về những mong đợi của Indonesia đối với RCEP, ông Iman cho biết Jakarta muốn tham gia sâu hơn trong chuỗi cung ứng khu vực. Hiệp định RCEP sẽ giúp Indonesia có được “bàn đạp” này để nâng cao năng suất cũng như vị thế chiến lược của mình trong chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Theo nhà đàm phán này, việc hoàn tất RCEP sẽ tạo thuận lợi cho vận tải hàng hóa, đi lại và luân chuyển vốn ở châu Á. Indonesia sẽ được hưởng lợi từ RCEP nhiều như các quốc gia khác, phụ thuộc vào sự chuẩn bị trong nước, năng lực tận dụng và nắm bắt cơ hội từ thỏa thuận này.
Về tác động của RCEP đối với trao đổi thương mại giữa Indonesia và Việt Nam, ông Iman cho rằng có nhiều dư địa để hai nước khám phá và hưởng lợi. Indonesia và Việt Nam hiện đang hợp tác trong khuôn khổ ASEAN. Song hướng về phía trước, hai nước cần tập trung vào các thế mạnh có thể bổ sung cho nhau và các sản phẩm tốt nhất có thể trao đổi với nhau.
Kinh tế kỹ thuật số sẽ là một trong những lĩnh vực mà hai nước có thể hợp tác và giành được thị phần trong RCEP. Chế tạo là một lĩnh vực khác mà hai nước có thể hợp tác, đặc biệt trong lĩnh vực chế tạo ô tô. Ngoài ra, hai nước còn có rất nhiều tiềm năng hợp tác khác, như nông nghiệp và chế biến thực phẩm.
Chủ tịch Ủy ban đàm phán RCEP của ASEAN cũng đánh giá cao vai trò Chủ tịch của Việt Nam trong việc dẫn dắt ASEAN vào thời điểm khó khăn do đại dịch Covid-19 và mong muốn Việt Nam có thể hoàn thành xuất sắc nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN năm nay.
Theo ông, nếu hoàn tất thỏa thuận RCEP, Việt Nam có thể gửi thông điệp đến phần còn lại của thế giới, đặc biệt tại khu vực RCEP, bằng cách nhắc lại quan điểm rằng RCEP là “dự án do ASEAN dẫn dắt”.