Ảnh minh họa. (Nguồn: AP) |
Để thúc đẩy sự phát triển ngành này, mới đây, Chính phủ Indonesia đã có nhiều chính sách ưu đãi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển thương mại điện tử tại đất nước vạn đảo. Jakarta đang có các biện pháp, chính sách ưu tiên thúc đẩy sự phát triển ngành này, cụ thể là cam kết sẽ đầu tư trên 100 tỷ Rupiah (khoảng 7,7 triệu USD) để cải thiện hệ thống thanh toán.
Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Indonesia Rudiantara tuyên bố, sẽ có hai công ty thương mại điện tử với tổng số vốn đầu tư hơn một tỷ USD kinh doanh tại quốc gia này vào cuối năm nay. Năm 2016, tổng giá trị thương mại điện tử tại đất nước vạn đảo đạt gần 6 tỷ USD, trong đó khoảng 60% thuộc về các dịch vụ liên quan đến du lịch (vé máy bay trực tuyến, đặt phòng khách sạn).
Ngành thương mại điện tử của Indonesia hiện vẫn gặp phải một số rào cản để có thể phát triển nhanh chóng. Thứ nhất, liên quan đến thanh toán, Indonesia cần có một hệ thống thanh toán thân thiện và phổ biến với khách hàng hơn. Hiện nay, phần lớn việc thanh toán cho các giao dịch thương mại điện tử được thực hiện bằng cách chuyển khoản ngân hàng (75%) và thẻ tín dụng (15%). Điều này đặt ra những hạn chế đáng kể bởi người dân quốc đảo chưa có tâm lý thích thanh toán bằng thẻ tín dụng.
Thứ hai là cơ sở hạ tầng hậu cần (logistics). Cơ sở hạ tầng nghèo nàn, sự chia cắt về địa lý là những thách thức lớn trong quá trình giao hàng với phương châm nhanh chóng và tiết kiệm chi phí. Hiện nay, thời gian giao hàng trung bình từ 4-7 ngày tại các thành phố và từ 7-14 ngày tại các khu vực khác là quá chậm chạp.
Dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế, để thúc đẩy ngành thương mại điện tử tại Indonesia trong vòng 3-5 năm tới, Indonesia sẽ cần khoảng 3 tỷ USD. Tại Ấn Độ, chỉ riêng các công ty thương mại điện tử hàng đầu như Flipkart và Snapdeal đã dành được hơn 5 tỷ USD trong vòng 4 năm qua để phục vụ cho việc phát triển thương mại điện tử tại quốc gia này.
Thực tế, việc huy động vốn cho sự phát triển này từ ngân hàng là điều khó khăn, bởi vì các ngân hàng hiện chưa muốn đầu tư vào lĩnh vực còn có sự rủi ro cao. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng rất thận trọng trong việc đổ vốn vào một thị trường mà tính pháp lý chưa ổn định, họ cảm thấy chưa yên tâm để đầu tư.