Người đứng đầu Cơ quan chống khủng bố quốc gia Indonesia (BNPT) Rycko Amelza Dahniel trao đổi với báo chí tại Jakarta, ngày 5/7. (Nguồn: Antara News) |
Ngày 5/7, Giám đốc Cơ quan chống khủng bố quốc gia Indonesia (BNPT) Rycko Amelza Dahniel cho biết, nước này phải đối mặt với 49 vụ khủng bố trong giai đoạn từ năm 2018-2022. Trong số đó, 19 vụ khủng bố diễn ra vào năm 2018.
Con số trên giảm xuống còn 11 vụ trong 2 năm liên tiếp 2019-2020, và tiếp tục giảm xuống còn 6 vụ vào năm 2021 và 2 vụ trong năm 2022.
Theo ông Amelza Dahniel, xu hướng giảm dần của các vụ khủng bố chính là nhờ các biện pháp ngăn chặn và ứng phó với chủ nghĩa khủng bố dựa trên bạo lực.
Cảnh báo rằng, xu hướng này chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, Giám đốc BNPT đề nghị tất cả các bên liên quan luôn đề cao cảnh giác, đặc biệt là đối với các phong trào khủng bố đang bắt đầu thâm nhập vào cuộc sống của người dân. Theo đó, các nhóm khủng bố đã bắt đầu thay đổi cách tiếp cận từ cứng rắn sang mềm mỏng, và từ chiến lược dùng đạn sang chiến lược hòm phiếu.
Người đứng đầu BNPT khẳng định, nhận thức của người dân và sức mạnh tổng hợp của các bên là rất cần thiết trong nỗ lực chống chủ nghĩa khủng bố cực đoan vì cơ quan này không thể một mình xử lý các mối đe dọa.
Cùng ngày, BNPT đã công bố 4 sản phẩm tri thức dưới dạng kết quả phân tích và nghiên cứu liên quan đến hoạt động chống chủ nghĩa khủng bố cực đoan và bạo lực ở Indonesia, bao gồm “Triển vọng chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực I-KHubBNPT”, “Triển vọng K-Hub PCVE”, “Đánh giá giữa kỳ Kế hoạch hành động quốc gia về ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan (RAN PE)” và “Phân tích mức độ sẵn sàng thực hiện RAN PE của các chính quyền địa phương”.
Với sự quyết liệt và chiến lược bài bản, quốc gia Đông Nam Á kỳ vọng sẽ giảm thiểu tối đa các vụ khủng bố.