Đến năm 2025, Việt Nam sẽ chuyển đổi toàn bộ sang IPv6. Ảnh minh họa. (Nguồn: Network World) |
Khi Internet phát triển, số lượng các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và tư nhân sử dụng địa chỉ IP để kết nối ngày càng tăng. IPv4 là loại giao thức liên mạng được ứng dụng phổ biến trong nhiều năm qua trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, không gian địa chỉ hữu hạn của IPv4 không đủ cho sự phát triển bùng nổ của Internet. Dấu hiệu cạn kiệt IPv4 lộ ra từ đầu những năm 2000.
Kể từ năm 2011 đến nay, chính sách cấp IPv4 của nhiều quốc gia chỉ dùng cho mục đích chuẩn bị triển khai IPv6. Trên thế giới, khu vực APNIC, bao gồm châu Á, Australia, New Zealand và các nước vùng Thái Bình Dương là khu vực cạn kiệt IPv4 sớm nhất, dự kiến vào tháng 8/2024. Tiếp theo là châu Âu, Mỹ Latinh, và Bắc Mỹ.
Sự phát triển tất yếu
Do vậy, xu thế triển khai sử dụng IPv6 và công nghệ “thuần IPv6” (IPv6-only) bảo đảm cho sự phát triển bền vững của Internet toàn cầu.
Ngày 6/5/2012, IPv6 ra mắt toàn cầu. Các nhà khai thác viễn thông, các doanh nghiệp làm dịch vụ cung cấp nội dung số chính thức sử dụng IPv6 cho hạ tầng mạng, dịch vụ của họ.
Sau 10 năm, lưu lượng IPv6 đã tăng hơn 5.000% so với thời điểm khai trương. Tính đến tháng 10/2022, tỷ lệ sử dụng IPv6 toàn cầu đạt 40%. Mạng Internet toàn cầu tiếp tục tăng tốc chuyển đổi IPv6 thay thế IPv4 và triển khai IPv6 trong các dịch vụ mới, chất lượng cao như IoT, Smart City, 4G, 5G và Cloud. Xu thế chuyển đổi từ dùng song song IPv4 và IPv6 (dual-stack IPv4/IPv6) sang công nghệ thuần IPv6 (IPv6-only) rõ rệt hơn. Trên các diễn đàn quốc tế, khái niệm IPv6+ được thảo luận rộng rãi (kết hợp IPv6 với công nghệ AI, tự động hóa, kết nối Internet với băng thông cực cao, chất lượng cao, bảo mật tốt).
Các giải pháp công nghệ đang giúp IPv6 được ứng dụng rộng rãi. Các quốc gia chú trọng chuyển đổi IPv6 cho cơ quan chính phủ gồm Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Đức, Pháp...
Tại Mỹ, từ tháng 9/2012, chính phủ đã yêu cầu các website phải hoàn tất quá trình chuyển đổi sang IPv6. Mỹ đặt mục tiêu tới năm 2025 sẽ có 80% mạng chính phủ Mỹ hoạt động thuần IPv6. Hiện nay, 60% cổng thông tin, 75% hệ thống DNS và 27% hệ thống mail của các đơn vị chính phủ Mỹ đã hoạt động với IPv6. Tỷ lệ IPv6 của Mỹ đạt 50,8%.
Tại Trung Quốc, ngày 23/7/2021, Ủy ban quản lý không gian mạng Trung ương Trung Quốc lập kế hoạch triển khai IPv6 với mục tiêu chuyển đổi toàn bộ mạng Trung Quốc sang IPv6. Đây là một trong những nội dung chiến lược để xây dựng cường quốc mạng và Trung Quốc kỹ thuật số.
Đất nước tỷ dân đặt mục tiêu chuyển đổi hoàn toàn mạng chính phủ hoạt động thuần IPv6 vào năm 2025; 800 triệu người dùng IPv6; 400 triệu thiết bị Internet dùng IPv6; tỷ lệ sử dụng IPv6 trên mạng di động đạt 70%; 100% website cơ quan nhà nước, website nội dung trong nước và ứng dụng điện thoại hỗ trợ IPv6.
Hiện tại, 91,15% website bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương của Trung Quốc đang hoạt động với IPv6. Tới năm 2025, toàn bộ hệ thống mạng, các ứng dụng và thiết bị đầu cuối tại Trung Quốc hỗ trợ đầy đủ IPv6, đưa nước này trở thành quốc gia có số người sử dụng IPv6 lớn nhất thế giới.
Ấn Độ đẩy nhanh chương trình IPv6 cho các cơ quan chính phủ. Tháng 4/2021, Bộ Điện tử và Công nghệ thông tin và Bộ Viễn thông Ấn Độ phát động chương trình “IP Guru6” để tiếp tục hỗ trợ, nâng cao nhận thức về IPv6. Hiện tại, tất cả website cơ quan chính phủ đã sử dụng IPv6; 100% thiết bị đầu cuối hỗ trợ IPv6; tỷ lệ IPv6 Ấn Độ đạt 77,77%, đứng thứ nhất thế giới. Ấn Độ kỳ vọng chương trình mới sẽ giúp chuyển đổi sớm IPv6 cho 5G, IoT và hướng tới ứng dụng thuần IPv6.
Tại Đức, từ năm 2020, Bộ Nội vụ Đức quy định việc đầu tư, mua sắm dịch vụ công nghệ thông tin phải hỗ trợ IPv6. Hiện nay, tỷ lệ IPv6 của Đức đạt 53,66%.
Ở Pháp, việc chuyển đổi IPv6 được tiến hành tốt, hiện đạt 40%, đã triển khai nhiều hoạt động như Khai trương IPv6 (2016), thành lập Ban Công tác thúc đẩy (2019) và yêu cầu tương thích IPv6 với các doanh nghiệp có giấy phép 5G băng tần 3,4 ~ 3,8GHz.
Tốc độ truy cập Internet nhanh hơn chính là lý do thứ hai để chuyển đổi sang IPv6.
Các nhà cung cấp dịch vụ nội dung như Facebook, Google, YouTube, Akamai, Cloudflare... sử dụng IPv6 và khẳng định tốc độ truy cập Internet qua IPv6 nhanh hơn IPv4. Theo báo cáo của Facebook và Apple, kết nối Internet sử dụng IPv6 nhanh hơn 1,4 lần so với sử dụng IPv4.
Đến nay, các tập đoàn công nghệ lớn như Amazone, Akamai, CloudFlare... triển khai IPv6 và chuyển dần sang sử dụng thuần IPv6.
Việt Nam sẽ vào Top 20
Tại Việt Nam, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11/1/2024 về Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, định hướng phát triển mạng bưu chính đồng bộ, hiện đại, gắn kết giữa thế giới thực và thế giới số, trở thành một trong những hạ tầng thiết yếu của quốc gia và của nền kinh tế số.
Đối với Việt Nam, IPv6 là hạ tầng nền tảng cho chuyển đổi số quốc gia, đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Huy Dũng tại Hội nghị triển khai Kế hoạch chuyển đổi IPv6 Việt Nam (IPv6 For Gov), diễn ra ngày 3/4/2024 tại Hà Nội.
Chuyển đổi IPv6 làm cho Internet rộng khắp, phổ cập, đồng thời phải gắn với an toàn, chất lượng và dịch vụ mới để phát triển hạ tầng Internet, các dịch vụ trên Internet thông minh hơn, bền vững và an toàn hơn. Đồng thời, hướng tới phát triển Internet thông minh, Internet công nghiệp và mục tiêu cuối cùng là chuyển đổi sang thuần IPv6.
Theo ông Nguyễn Huy Dũng, hoạt động chuyển đổi IPv6 trong khối cơ quan nhà nước đã thay đổi rất tích cực với nhiều hoạt động, phối hợp tích cực giữa Bộ với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp.
Phó Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam Nguyễn Trường Giang cho biết, đến nay, 78% bộ, ngành, địa phương chuyển đổi thành công IPv6 cho cổng thông tin điện tử, dịch vụ công.
Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam nằm trong nhóm 20 nước dẫn đầu thế giới về chuyển đổi Internet sang IPv6.
Có thể khẳng định, chuyển đổi sang IPv6 chính là bắt kịp xu hướng thời đại. Các tổ chức, cơ quan và doanh nghiệp nên hoàn tất chuyển đổi càng sớm càng tốt để kịp nắm bắt những cơ hội phát triển.
Internet Protocol (tiếng Anh, viết tắt: IP, có nghĩa là giao thức Internet) là giao thức hướng dữ liệu được sử dụng bởi các máy chủ nguồn và đích để truyền dữ liệu trong một liên mạng chuyển mạch gói. Giao thức tầng mạng thông dụng nhất ngày nay là IPv4 - giao thức IP phiên bản 4 đang hết dần địa chỉ. Do vậy, IPv6 được đề nghị sẽ kế tiếp IPv4. Với 32 bit chiều dài, không gian IPv4 gồm 232 (khoảng 4.3 tỷ) địa chỉ cho hoạt động mạng toàn cầu. IPv6 có chiều dài 128 bit cung cấp 2128 - một số lượng khổng lồ địa chỉ cho hoạt động Internet của thế giới. |