Phát biểu trên truyền hình ngày 2/2, tướng Salami cảnh báo: "Nếu người châu Âu, hay bất cứ ai khác, âm mưu giải trừ tên lửa của Iran, chúng tôi sẽ buộc phải thực hiện một bước nhảy chiến lược". Chuẩn tướng Salami cũng nhấn mạnh rằng, "nên chấp nhận một thực tế mới về sức mạnh tên lửa của Iran: Không có bất kỳ trở ngại hay hạn chế kỹ thuật nào ngăn chúng tôi tăng cường tầm bắn tên lửa".
Một vụ phóng tên lửa Sayyad 2 của Iran. (Nguồn: AP) |
Theo tướng Salami, Iran phát triển công nghệ tên lửa theo một "chiến lược phòng thủ" và có thể thay đổi khi cần. Ông cũng cảnh báo các cường quốc trên thế giới "không tìm kiếm các cuộc đàm phán (mới) hay đưa ra những khuyến cáo hoặc yêu cầu đối với sức mạnh tên lửa của Iran".
Trước đó cùng ngày, Iran đã thông báo "thử thành công" một tên lửa hành trình mới với tầm bắn hơn 1.350km, nhân dịp kỷ niệm cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979. Bộ trưởng Quốc phòng Amir Hatami cho biết, tên lửa hành trình Hoveizeh đã tấn công đúng các mục tiêu, đồng thời gọi đây là "cánh tay dài của nước Cộng hòa Hồi giáo Iran".
Iran đã ngừng hầu hết chương trình hạt nhân của mình sau khi ký thỏa thuận hạt nhân lịch sử mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) năm 2015 với nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức). Tuy nhiên, nước này vẫn duy trì hoạt động phát triển công nghệ tên lửa đạn đạo. Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận trên hồi tháng 5/2018 và tái áp đặt trừng phạt chống Iran, với một trong các lý do là chương trình tên lửa của Tehran.
Các nước châu Âu bị "mắc kẹt" trong thỏa thuận, dù một số nước đã đề xuất một phiên bản mới để giải quyết vấn đề chương trình tên lửa đạn đạo và sự can thiệp của Iran vào các cuộc xung đột trong khu vực, như ở Yemen. Iran đã tự nguyện hạn chế tầm bắn tên lửa của mình ở mức 2.000km, song tầm bắn này vẫn đủ để bắn tới Israel và bất cứ căn cứ quân sự nào của Mỹ ở Trung Đông.