Các nữ CĐV của Iran tại AFC Asian Cup 2015. |
Kể từ sau cuộc cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979, phụ nữ của quốc gia này đã bị cấm tham dự các hoạt động thể thao của nam giới. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Thể thao Abdolhamid Ahmadi cho biết lệnh cấm này sẽ được nới lỏng trong một vài tháng tới. Theo đó, khi đi cùng với gia đình, các chị em phụ nữ sẽ được phép vào sân vân động để xem một vài môn thể thao mà nam giới thi đấu.
Đến nay, vẫn chưa rõ đích xác môn thể thao nào mà phụ nữ được phép đến xem. Theo thông tin từ đài truyền hình Iran Press TV thì sắc lệnh sắp được ban hành này sẽ được áp dụng cho một số môn thi đấu trong nhà.
Chính phủ Iran đã áp đặt lệnh cấm phụ nữ tới tham dự các sự kiện thể thao của nam giới sau cuộc cách mạng năm 1979 vì xét thấy việc đám đông ồn ào cùng xem một trận đấu là hành động đi ngược lại với các quy định của Hồi giáo. Dưới thời Tổng thống Mohammad Khatami, phụ nữ của quốc gia này đã được phép xem các trận đấu bóng chuyền. Tuy nhiên, lệnh cấm lại được phục hồi vào năm 2005 sau khi ông Mahmoud Ahmadinejad lên nắm quyền.
Lệnh cấm phụ nữ đến sân xem nam giới thi đấu đã khiến chính phủ Iran phải chịu nhiều áp lực từ các quan chức thể thao quốc tế. Hồi tháng Ba vừa qua, Chủ tịch FIFA Sepp Blatter đã kêu gọi chính phủ Iran chấm dứt lệnh cấm và nhận xét rằng đây là một quy định “không thể chấp nhận được”. Nó cũng đã khiến Iran tuột mất cơ hội đăng cai đã Giải bóng đá vô địch châu Á 2019 (AFC Asian Cup 2019) vào tay UAE.
Hồi đầu năm nay, hàng ngàn cổ động viên nữ của Iran đã sang Australia để cổ vũ cho đội bóng đá nam của họ tranh tài tại AFC Asian Cup 2015. Ở trận đấu tứ kết với Iraq, các hoạt động vì nữ quyền đã giơ cao các biểu ngữ phản đối lệnh cấm và hình ảnh của Ghoncheh Ghavami. Ghavami sinh năm 1989, mang hai dòng máu Anh và Iran. Cô đã bị bắt giam vào tháng Sáu năm 2014 vì đến xem một trận đấu bóng chuyền tại sân vận động Azadi, Tehran. Hãng tin Reuters cho biết cô gái này đã được trả tự do vào ngày 23/11/2014.
H.Q (Theo CNN)