Một ngôi trường ở Donbas bị phá hủy trong xung đột Nga-Ukraine. (Nguồn: AFP) |
Ngày 8/6, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi cho hay, Tehran sẵn sàng hỗ trợ tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột tại Ukraine.
Thông báo từ Văn phòng Tổng thống Iran nêu rõ: “Tổng thống Raisi bày tỏ hy vọng nhanh chóng chấm dứt cuộc xung đột Ukraine, nhấn mạnh tầm quan trọng của một giải pháp ngoại giao cho vấn đề này".
Theo đó, Iran khẳng định "sẵn sàng dùng mọi khả năng để hỗ trợ tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho xung đột”.
Cùng ngày, Iraq kêu gọi thúc đẩy một sáng kiến nhằm "kích hoạt nhóm liên lạc Arab" giúp thúc đẩy đối thoại để xoa dịu những căng thẳng khu vực và quốc tế, trong đó có xung đột Nga-Ukraine, vốn đã và đang tác động tiêu cực đến thế giới Arab.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iraq Ahmed Al Sahaf cho biết, nhóm liên lạc Arab được thành lập sau khi nổ ra cuộc xung đột Nga-Ukraine, nhằm giúp giải quyết những tác động và hậu quả của cuộc chiến đối với thị trường năng lượng và an ninh lương thực toàn cầu.
Theo ông Al Sahaf, tháng trước, bộ trưởng các nước Arab đã tới thủ đô Moscow của Nga và Warsaw của Ba Lan để gặp những người đồng cấp Nga và Ukraine nhằm đưa ra ý tưởng về một sáng kiến Arab. Sáng kiến nêu bật "tầm quan trọng của việc dựa vào đối thoại và áp dụng các biện pháp ngoại giao để giảm leo thang và đạt được sự đồng thuận nhằm tăng cường an ninh quốc tế".
Xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine đã đình trệ kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine và phong tỏa các cảng ở Biển Đen hồi cuối tháng 2/2022.
Cuộc xung đột đã làm tắc nghẽn chuỗi cung ứng và gây ra tình trạng thiếu lương thực trên toàn cầu, góp phần khiến giá năng lượng và lương thực tăng mạnh trên thị trường thế giới.
Nhiều nước trên thế giới đang phải vật lộn để kiềm chế lạm phát do giá năng lượng và lương thực leo thang, trong bối cảnh chính phủ Ukraine và Nga ngày 8/6 cáo buộc nhau làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.