Iran tiếp tục đặt ra yêu cầu dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp trừng phạt với nước này. |
Cho biết các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục diễn ra vào ngày 8/2, ông Khatibzadeh nhấn mạnh: “Việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và Iran được hưởng lợi từ điều đó là lằn ranh đỏ của Iran trong các cuộc đàm phán".
Ngày 4/2, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã khôi phục quyết định miễn trừng phạt Iran nhằm tạo điều kiện cho các dự án hợp tác hạt nhân quốc tế.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, việc khôi phục quyết định miễn trừ trừng phạt sẽ giúp thúc đẩy các cuộc đàm phán tại Vienna (Áo) nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran 2012, hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).
Việc miễn trừng phạt sẽ cho phép các công ty Nga, Trung Quốc và châu Âu thực hiện các dự án hợp tác nhằm đảm bảo rằng các cơ sở hạt nhân của Iran không được sử dụng cho việc phát triển vũ khí hạt nhân.
Các dự án này bao gồm thiết kế lại lò phản ứng hạt nhân nước nặng Arak ở Iran, công tác chuẩn bị và sửa đổi cơ sở Fordow cho việc sản xuất chất đồng vị, các hoạt động, đào tạo và dịch vụ liên quan đến nhà máy điện hạt nhân Busher và nhiều việc khác.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir Abdollahian cho rằng, bất kỳ hành động nào nhằm khôi phục các lệnh miễn trừ trừng phạt và dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp đặt chống lại Iran sau khi Washington rút khỏi JCPOA đều được coi là động thái tốt
Tuy nhiên, Mỹ đã gửi thông điệp thể hiện họ có thiện chí, nhưng đến nay Iran chưa nhận thấy sáng kiến nghiêm túc nào từ phía Washington trong quá trình đàm phán. Tehran khẳng định đang quan sát những gì diễn ra trên thực địa.
Bên cạnh đó, nhà ngoại giao cấp cao Iran tái khẳng định, nước này đang tìm kiếm một "thỏa thuận tốt chứ không phải thỏa thuận tạm thời".
Kể từ tháng 4/2021, Mỹ và Iran đã tiến hành 8 vòng đàm phán gián tiếp tại Vienna. Một quan chức Mỹ nhận định, các cuộc đàm phán tại Vienna đang "vào giai đoạn quan trọng nhất". Theo quan chức này, đã có một số tiến triển trong việc thu hẹp bất đồng và giờ là lúc cần đưa ra những quyết định chính trị.