Ông Hoshiyar Zebari, Cố vấn hàng đầu của lãnh đạo khu vực người Kurd Massoud Barzani, nhấn mạnh chính quyền khu vực người Kurd sẽ thảo luận với chính phủ trung ương trước, trong và cả sau cuộc trưng cầu. Chính quyền khu tự trị người Kurd cho rằng cuộc trưng cầu này nhằm trao cho khu vực tự trị của người Kurd quyền độc lập khỏi Iraq thông qua đối thoại với Baghdad, cũng như các nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.
Tuy nhiên, chính quyền trung ương ở Baghdad kiên quyết phản đối kế hoạch này, cho rằng trưng cầu ý dân về độc lập của khu tự trị là trái với hiến pháp của Iraq và sẽ chỉ kích động bạo lực. Tòa án Tối cao Iraq đã ra lệnh đình chỉ cuộc trưng cầu ý dân nói trên để cân nhắc xem cuộc bỏ phiếu như vậy có phù hợp với hiến pháp hay không.
Trước đó, ngày 7/6 vừa qua, chính quyền khu vực tự trị của người Kurd ở miền Bắc Iraq thông báo lên kế hoạch tổ chức cuộc trưng cầu về độc lập của người Kurd vào ngày 25/9, bất chấp sự phản đối quyết liệt từ chính quyền Baghdad và một số nước trong khu vực. Nhiều nước gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Ai Cập và Saudi Arabia cùng lên tiếng kêu gọi hủy bỏ cuộc trưng cầu ý dân sắp tới nhằm tránh gây thêm xung đột tại khu vực Trung Đông.
Một người Kurd ở Iraq giơ cao lá cờ của người Kurd trong một sự kiện cổ động người dân bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân tại Erbil, thủ đô của khu tự trị của người Kurd ở miền Bắc Iraq. (Nguồn: AFP) |
Mỹ cũng cảnh báo sẽ không thể giúp người Kurd tiến tới một thỏa thuận tốt hơn với Chính phủ Iraq nếu họ kiên quyết tiến hành cuộc trưng cầu, đồng thời hối thúc các nhà lãnh đạo người Kurd tại Iraq đối thoại nghiêm túc và lâu dài với chính quyền trung ương về mọi vấn đề liên quan, trong đó có tương lai mối quan hệ giữa chính quyền trung ương và địa phương.
Cùng ngày, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim cảnh báo các hành động của Ankara nhằm đáp trả lại cuộc trưng cầu ý dân về nền độc lập của khu vực người Kurd ở miền Bắc Iraq sẽ bao gồm các lĩnh vực an ninh, ngoại giao, chính trị và kinh tế. Phát biểu với các phóng viên tại tỉnh Kirsehir, miền Trung Thổ Nhĩ Kỳ, ông Yildirim cho rằng cuộc trưng cầu ý dân này là một sai lầm và động thái mang tính "phiêu lưu" trên sẽ đẩy Thổ Nhĩ Kỳ vào nguy hiểm. Ông nhấn mạnh các hành động của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được tiến hành với sự phối hợp chặt chẽ với Iraq, Iran và các nước láng giềng.
Trong khi đó, Người Phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ - ông Ibrahim Kalin khẳng định cuộc trưng cầu ý dân nói trên là một "sai lầm khủng khiếp", gây ra những sự bất ổn mới cho khu vực nếu nó không bị hủy bỏ.