📞

IS đang hiện hữu rõ ràng ở Đông Nam Á

10:40 | 11/12/2015
Ngày 9/12, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen cho biết, các phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng là "một mối đe dọa rõ ràng và hiện hữu" đối với Đông Nam Á sau khi các phần tử Hồi giáo cực đoan trở về từ Syria và Iraq với nhiệm vụ thành lập một vương quốc Hồi giáo.
Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen. (Nguồn: Koerber Stiftung)

Theo Bộ trưởng Ng Eng Hen, các nhóm có liên hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda như Jemaah Islamiyah và Abu Sayyaf đang là mối đe dọa mới đối với an ninh khu vực khi chúng thề trung thành với IS. Ông cho biết thêm, trong 3 năm qua, IS và tư tưởng của nhóm phiến quân này đã lôi kéo số lượng lớn công dân các nước có đông dân số theo đạo Hồi tại Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia và Singapore, nhiều hơn số lượng người dân mà al-Qaeda từng lôi kéo sau vụ khủng bố ngày 11/9 ở Mỹ.

Cho đến nay, cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu chủ yếu diễn ra ở khu vực Trung Đông. Thế nhưng, những diễn biến mới nhất cho thấy, hoạt động khủng bố tiếp tục có nhiều biểu hiện khó lường và không giới hạn ở bất kỳ khu vực nào trên thế giới. Hãng tin Bloomberg dẫn số liệu của Trung tâm nghiên cứu Pew tại Mỹ cho thấy, khoảng 15% trong số 1,57 tỷ tín đồ Hồi giáo của thế giới đang sống ở Đông Nam Á. Thực tế, IS cũng đang nhắm đến việc tạo ra một nhánh của tổ chức này ở Đông Nam Á, bắt đầu từ Malaysia, sau đó có thể lan sang Singapore và nhiều nước khác.

Dường như các nhóm IS ở Đông Nam Á đang có kế hoạch gắn kết các cuộc tấn công trong khu vực. Đáng lo ngại nhất là Malaysia, Philippines và Indonesia, những nước có đa số người dân theo đạo Hồi. Thứ trưởng Nội vụ Malaysia Nur Jazlan Mohamed từng cho rằng, vụ tấn công đẫm máu tại Paris hoàn toàn có thể tái diễn ở Malaysia hay những khu vực khác trong Đông Nam Á. Tháng Chín vừa qua, cảnh sát Malaysia đã phá vỡ một âm mưu đánh bom tại khu du lịch Bukit Bintang ở Thủ đô Kuala Lumpur của nước này.

Theo ông Mohamed, IS muốn tấn công khủng bố ở Đông Nam Á để phô trương thanh thế trong khu vực và thu hút các phần tử cực đoan tại đây. Ước tính, năm 2014 có khoảng 50 kẻ cực đoan từ Indonesia đã tới Syria gia nhập IS. Như vậy, Indonesia cũng phải đối mặt với mối đe dọa tương tự như Pháp hay Bỉ, đó là việc công dân nước mình gia nhập IS ở Syria, có kinh nghiệm khủng bố, rồi trở về tổ chức các cuộc tấn công.

Hằng Phạm (tổng hợp)