Những người hồi hương
Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, Aristidou, khoảng 25 tuổi, xuất hiện tại cửa khẩu Kilis ở phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ cùng người vợ người Anh gốc Bangladesh của mình. Trong khi đó, Kleman trình diện cùng người vợ người Syria và hai phụ nữ Ai Cập.
Aristidou cho biết y chuyển đến Syria để định cư thay vì chiến đấu. Tên này khai rằng mình đã từng ở Raqqa và al-Bab, cả hai đều là nơi đóng quân của IS cho đến khi al-Bab bị liên quân Thổ Nhĩ Kỳ – Syria chiếm lại vào đầu năm nay. Aristidou được cho là mất tích từ tháng 4/2015 sau khi đáp chuyến bay đến thành phố Larnaca, thuộc đảo Cyprus.
Kleman đã cải sang đạo Hồi sau khi ly dị vợ và chuyển sang Ai Cập sinh sống vào năm 2011. Kleman cưới vợ hai là người Ai Cập, nhưng cuộc hôn nhân này cũng tan vỡ rồi hắn chuyển đến sinh sống tại Dubai. Ở đây, hắn lấy vợ là người Syria và có 3 người con.
Kleman khai rằng hắn cùng vợ và con đến Syria vào mùa Hè 2015 để làm các công việc nhân đạo, giúp đỡ người dân tại đây. Mẹ của Kleman cho biết rằng hắn đã liên lạc với các quan chức Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ, và có kế hoạch đến đại sứ quán Mỹ tại đó để trở về nước.
Một tay súng người phương Tây trong hàng ngũ IS. (Nguồn: Daily Mail) |
Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, họ đã thả nữ công dân Anh đi cùng với Aristidou, tuy rằng người này vẫn có thể phải ra tòa. Trong khi đó, nếu bị tuyên án có tội, Aristidou và Kleman có thể chịu án từ 7,5 đến 15 năm. Aristidou cũng có thể chịu nhiều cáo buộc khác về tội khủng bố nếu bị dẫn độ về Anh. Theo luật của nước này, những công dân trở về từ Syria hoặc Iraq đều bị cảnh sát kiểm tra hồ sơ để đánh giá mối đe dọa họ có thể gây ra.
IS khó tuyển quân
Một số nguồn tin trong nội bộ IS cho biết, các vùng lãnh thổ do IS kiểm soát tại Syria đang bị thu hẹp dần. Trong khi đó, liên quân do Mỹ đứng đầu đang tiến quân về phía thành phố Raqqa và Tabqa tại vùng Đông Bắc, nơi các phiến quân nước ngoài được bố trí hoạt động trong 4 năm vừa qua.
Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu cho biết, nhiều thành viên gia nhập IS từ năm 2013 đã liên lạc với đại sứ quán nước mình để tìm cách hồi hương. Tuy nhiên, những phần tử trung thành với giáo lý của IS được cho là sẽ lợi dụng tình trạng này để thâm nhập vào Thổ Nhĩ Kỳ rồi di chuyển sang châu Âu để trả thù cho sự suy tàn của tổ chức này.
Vụ tấn công theo kiểu “sói đơn độc” ở gần tòa nhà Quốc hội Anh, ngày 22/3, khiến 5 người chết và 40 người bị thương. (Nguồn: CNBC) |
Ít nhất 250 phần tử cực đoan mang quốc tịch Anh, Pháp, Bỉ và Australia được cho là đã bí mật thâm nhập, vượt biên vào châu Âu từ cuối năm 2014 đến giữa năm 2016. Mặc dù cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ khá nhiều đối tượng khả nghi vào đầu năm nay, song các phần tử khủng bố vẫn tìm ra nhiều cách thâm nhập vào châu Âu.
Cuối năm 2016, một thành viên cấp cao của IS mang quốc tịch Australia, Neil Prakash đã bị bắt tại cách biên giới không xa Thổ Nhĩ Kỳ. Hắn thừa nhận là thành viên của IS và chiến đấu tại thị trấn Kobani, Syria.
Chính phủ Australia tin rằng Prakash là một trong những thành viên quan trọng nhất của IS và hắn có thể có liên quan đến hoạt động chế tạo máy bay không người lái của tổ chức này. Nhiều khả năng hắn có ý đồ thâm nhập vào châu Âu qua Thổ Nhĩ Kỳ để tiến hành khủng bố.
Khoảng 30.000 phiến quân IS là người nước ngoài đã đến Syria để chiến đấu trong hàng ngũ của IS. Chính phủ Mỹ ước tính khoảng 25.000 người trong số này đã đã bị tiêu diệt. Khoảng 850 phần tử mang quốc tịch Anh đã tham gia vào IS hoặc các các tổ chức Hồi giáo cực đoan khác. Một nửa trong số này được cho là đã về nước và khoảng 200 người đã chết.
Các chuyên gia nhận định thất bại quân sự sẽ khiến quy trình tuyển quân của IS bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khi Nhà nước Hồi giáo đang trên đà sụp đổ, chúng sẽ không thể thu hút thêm người trẻ tuổi.