📞

Israel - Ấn Độ: Khởi đầu kỷ nguyên mới

14:00 | 20/01/2018
Đó là khẳng định được Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi khi nói về mối quan hệ giữa Tel Aviv và New Delhi.

Ngày 14/1, chuyên cơ của Thủ tướng Israel đã đáp xuống sân bay Indira Gandhi, mở đầu cho chuyến công du 6 ngày của ông Netanyahu tới Ấn Độ. Trước đó, hồi tháng 7/2017, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng thăm cấp nhà nước tới Tel Aviv.

Tuy nhiên, hành trình lần này của ông Netanyahu mang nhiều ý nghĩa hơn một cử chỉ đáp lễ ngoại giao. Đây là chuyến thăm Ấn Độ đầu tiên của một Thủ tướng Israel kể từ năm 2003 và diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao Israel - Ấn Độ.

Thủ tướng Modi chào đón Thủ tướng Israel tại sân bay New Delhi ngày 14/1. (Nguồn: AFP)

Bên cạnh lời nói và cử chỉ thân tình của những người bạn, hai bên đã thảo luận nhiều vấn đề hợp tác thực chất. Hàng loạt thỏa thuận song phương đã được ký kết trong lĩnh vực năng lượng, thương mại, quốc phòng và cả điện ảnh, dưới sự chứng kiến của 130 đại diện doanh nghiệp tháp tùng Thủ tướng Israel. Đồng thời, hai bên cũng đánh giá quá trình thực hiện các thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực công nghệ, nguồn nước và nông nghiệp được ký kết trong chuyến thăm của ông Modi tới Israel vào tháng 7/2017.

Có thể nói, động thái này đã hóa giải hoài nghi về mối quan hệ tưởng chừng “nguội lạnh” giữa Tel Aviv và New Delhi lâu nay, đặc biệt là sau khi Ấn Độ cùng với 127 quốc gia khác đã bỏ phiếu phản đối công nhận Jerusalem trở thành một phần của Israel. Trả lời báo giới, Thủ tướng Israel cho biết: “Dù phần nào thất vọng về vấn đề này, song tôi cho rằng chuyến thăm là minh chứng cho thấy quan hệ hai nước sẽ tiến triển trên nhiều lĩnh vực”.

Không chỉ quốc phòng

Ấn Độ hiện là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất của Israel, chiếm tới 42% tổng lượng xuất khẩu vũ khí giai đoạn 2012 – 2016. Ngược lại, Israel cũng là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ ba cho Ấn Độ sau Nga và Mỹ. Gần 50% vũ khí xuất khẩu của Israel là nhắm tới thị trường Ấn Độ. Mới đây nhất, vào tháng 4 năm 2017, Ấn Độ và Israel đã ký thỏa thuận công nghệ vũ khí với giá trị lên tới 2 tỷ USD.

Do đó, hợp tác quốc phòng vẫn được coi là nền tảng của quan hệ Israel - Ấn Độ. Tuy nhiên, thương mại, nông nghiệp và khoa học – công nghệ sẽ trở thành những lĩnh vực ưu tiên mới thời gian tới. Trước thềm chuyến thăm, Thủ tướng Israel Netanyahu đã nhận định Ấn Độ là một “cường quốc quan trọng” và khẳng định mong muốn thúc đẩy mối quan hệ hợp tác kinh tế song phương.

Bên cạnh công nghiệp quân sự, Israel còn được biết đến với hệ thống canh tác nông nghiệp và thủy lợi rất phát triển. Với mong muốn mở rộng ảnh hưởng khu vực và quốc tế, Tel Aviv đang tích cực xây dựng hình ảnh một đối tác tiềm năng, qua đó tiến hành thương mại hóa những thành tựu công nghệ của mình. Ấn Độ, với nền khoa học công nghệ phát triển vượt bậc cùng thị trường tiêu thụ rộng lớn, là đối tác lý tưởng của Israel.

Kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, kim ngạch thương mại song phương Israel - Ấn Độ đã tăng từ mức 200 triệu USD năm 1992 lên mức 4,16 tỷ USD vào năm 2016. Tuy nhiên, con số tăng trưởng này vẫn chưa phản ánh đúng tiềm năng song phương. Do đó, hai nhà lãnh đạo bày tỏ hy vọng và quyết tâm nâng kim ngạch hai chiều lên cao hơn nữa, đặc biệt là trong những lĩnh vực trọng tâm hợp tác.

Còn đó rào cản

Một trong những rào cản lớn nhất hiện nay giữa quan hệ Israel và Ấn Độ là mối liên hệ tới “người thứ ba” – Palestine. Việc chưa thể đạt được thỏa thuận hòa bình với Palestine đã trở thành rào cản không nhỏ trong nỗ lực của Tel Aviv nhằm thúc đẩy quan hệ với nhiều quốc gia bên ngoài, bao gồm New Delhi.

Ấn Độ có lịch sử quan hệ thân thiết với Palestine và nhiều lần ủng hộ người Palestine trên các diễn đàn đa phương. Nước này sau đó cũng trở thành một trong những quốc gia đầu tiên công nhận Nhà nước Palestine vào năm 1988. Thậm chí New Delhi từng né tránh quan hệ ngoại giao với Israel vì vấn đề nhạy cảm này. Không thể phủ nhận rằng việc hậu thuẫn Palestine chính là cách giúp quốc gia có tới 15% dân số theo đạo Hồi này củng cố các lợi ích tại Trung Đông.

Bởi vậy, ngay cả khi mối quan hệ Ấn Độ và Israel còn nhiều dư địa phát triển, song giữa New Delhi và Tel Aviv vẫn còn những khúc mắc cần tháo gỡ, đặc biệt liên quan đến vấn đề Palestine. Hiện tại, hai nhà lãnh đạo cho thấy họ sẵn sàng vượt qua những bất đồng để thúc đẩy mối quan hệ mang lại nhiều lợi ích cho hai bên. Tuy nhiên, về lâu dài, quan hệ Israel - Ấn Độ có thực sự “bước vào kỷ nguyên mới” hay không phụ thuộc rất nhiều vào khả năng cân bằng của ông Modi giữa Israel và Palestine.