Người biểu tình Israel kêu gọi chính phủ đạt được thỏa thuận với Hamas hôm 1/6. (Nguồn: Getty Images) |
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Sunday Times của Anh, ông Falk xác nhận, đề xuất của ông Biden là “một thỏa thuận mà chúng tôi đã đồng ý - đó không phải là một thỏa thuận tốt nhưng chúng tôi thực sự muốn tất cả các con tin được thả”.
Mô tả thỏa thuận này có lỗ hổng và cần phải hoàn thiện thêm nhiều chi tiết nữa, ông Falk nhấn mạnh, các điều kiện của Israel, bao gồm cả việc “trả tự do cho các con tin và tiêu diệt Hamas” vẫn không thay đổi.
Ngày 31/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố kế hoạch 3 giai đoạn nhằm chấm dứt xung đột ở Gaza, bắt đầu bằng lệnh ngừng bắn “đầy đủ và toàn diện” kéo dài 6 tuần để trao đổi con tin và tù nhân, tiếp đó, Hamas và Israel sẽ đàm phán các điều khoản nhằm chấm dứt vĩnh viễn tình trạng thù địch và cuối cùng là kế hoạch tái thiết lớn dành cho Gaza.
Trong khi đó, cùng ngày 2/6, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cho biết, nước này đang lên kế hoạch cho một chính quyền mới tại Dải Gaza để thay thế phong trào Hamas sau khi xung đột kết thúc.
Theo ông, kế hoạch này sẽ “cô lập các khu vực ở Gaza, loại bỏ các thành viên Hamas khỏi các khu vực này và đưa các lực lượng khác tới nhằm thành lập một chính quyền khác thách thức Hamas”.
Bộ trưởng Gallant không nêu đích danh sẽ đưa nhóm nào vào bộ máy chính quyền mới, chỉ nhấn mạnh kế hoạch này đang được “xem xét đồng thời” với “các hành động quân sự” tại Dải Gaza.
Cũng trong ngày này, Phong trào Giải phóng dân tộc Palestine (Fatah) đã bày tỏ hy vọng rằng, thỏa thuận ngừng bắn do Mỹ đề xuất sẽ giúp chấm dứt các hành động quân sự của Israel đối với người Palestine ở Dải Gaza và Bờ Tây.
Kênh truyền hình Al-Qahera News của Ai Cập dẫn lời người phát ngôn của Fatah Abd Al-Fattah Doleh nói rằng, phong trào này mong muốn kế hoạch của ông Biden sẽ không làm gia tăng sự ngăn cách về mặt địa lý giữa Dải Gaza và Bờ Tây.