Nhỏ Bình thường Lớn

Israel – Việt Nam: Hướng tới FTA, hướng tới chân trời mới

Lần đầu tiên công du nước ngoài sau khi nhậm chức Thứ trưởng Ngoại giao Israel, bà Tzipi Hotovely cùng gia đình gồm chồng và con gái chọn điểm đến là Việt Nam, đơn giản bởi Việt Nam là đất nước xinh đẹp và là đối tác tiềm năng của Israel.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tiếp Thứ trưởng Ngoại giao Israel Tzipi Hotovely.

PV: Tại sao bà lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á?

Bà Tzipi Hotovely: Đây là chuyến thăm đầu tiên của tôi đến khu vực Đông Nam Á kể từ khi được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Ngoại giao tháng Năm vừa qua. Tôi chọn Việt Nam vì đây là một đất nước xinh đẹp và là đối tác tiềm năng đối với Israel. Hợp tác giữa hai nước đang hướng tới một chân trời mới.

Ấn tượng đầu tiên của tôi là sự nồng hậu của người dân Việt Nam. Tôi rất vui khi được gặp các lãnh đạo ngành Ngoại giao Việt Nam và trao đổi với họ về tiềm năng hợp tác to lớn giữa hai nước. Họ rất cởi mở và yêu mến và coi trọng mối quan hệ với Israel, đặc biệt là lĩnh vực hợp tác kinh tế. Một trong những mục tiêu của tôi trong chuyến thăm Việt Nam lần này cũng là thúc đẩy Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, từ đó tạo đà cho thương mại phát triển.

PV: Bà có thể điểm qua một số thành tựu trong quan hệ hợp tác Israel - Việt Nam kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1993?

Bà Tzipi Hotovely: Đã 22 năm kể từ khi Việt Nam và Israel thiết lập quan hệ ngoại giao. Và trong vòng khoảng 4 năm qua, mối quan hệ này có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực. Có rất nhiều đoàn giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa hai nước, ví dụ như đoàn Việt Nam sang Israel học tập kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp hay dự án trang trại thực nghiệm chăn nuôi bò sữa công nghệ cao tại Thành phố Hồ Chí Minh… Ngoài ra, Israel cũng có thể chia sẻ với Việt Nam trong một số lĩnh vực nhưng khoa học công nghệ, quốc phòng.

Israel là quốc gia có tiếng tăm về nền công nghệ cao trong nông nghiệp. Thực tế, trong thời gian qua, chúng tôi đã có rất nhiều trao đổi để đưa công nghệ cao, đưa chuyên gia tới giúp Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực, tổ chức các hội thảo, tọa đàm trao đổi về công nghệ. Du lịch giữa hai bên cũng đang trên đà phát triển. Chúng tôi muốn có sự hợp tác sâu rộng hơn nữa trên mọi lĩnh vực ở Việt Nam.

Toàn cảnh cuộc gặp của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Thứ trưởng Ngoại giao Israel Tzipi Hotovely.

PV: Thưa bà, qua cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo ngoại giao Việt Nam, bà nhận định như thế nào về triển vọng FTA song phương?

Bà Tzipi Hotovely: FTA là sân chơi tốt nhất để hai nền kinh tế hợp tác trên nhiều kênh khác nhau như chính phủ, doanh nghiệp và cá nhân. Chúng ta cần mở rộng thị trường để thúc đẩy trao đổi thương mại nhiều. Hiện nay, quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Israel ngày càng được đẩy mạnh, tổng giá trị trao đổi thương mại giữa hai nước đạt hàng tỷ USD và con số này có thể tăng hơn nữa.

Qua các cuộc trao đổi với lãnh đạo ngoại giao Việt Nam, tôi nhận thấy, khả năng thành công cao của FTA. Vào tháng Mười Hai tới, Phó Thủ tướng của Việt Nam sẽ thăm chính thức Israel. Theo tôi đây là cơ hội tốt nhất để hai bên ký kết hiệp định này.

PV: Việt Nam đang trong quá trình đàm phán và ký kết FTA với nhiều nước trên thế giới. Cuối năm nay, Việt Nam cũng tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Điều này tác động như thế nào tới đầu tư của Israel vào Việt Nam, thưa bà?

Bà Tzipi Hotovely: Việc Việt Nam tham gia AEC có tác động rất tích cực đến các nhà đầu tư Israel. Một số cơ sở sản xuất ăng-ten của Israel ở Bắc Ninh lúc đầu chỉ có ý định sản xuất cung cấp cho thị trường nội địa, nhưng tôi biết, hiện tại họ đang hướng ra thị trường rộng lớn hơn là thị trường ASEAN và cả châu Á. Sắp tới, Israel và Việt Nam sẽ bước sang giai đoạn thỏa thuận chi tiết nội dung của FTA. Vì vậy, các doanh nghiệp của chúng tôi sẽ có nhiều lợi thế về thị trường và thuế quan khi đầu tư vào Việt Nam.

Hiện nay, hợp tác hai nước phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ thông tin, dệt may, bất động sản và khi FTA hoàn tất chắc chắn sẽ có nhiều lĩnh vực hợp tác khác sẽ “cất cánh” bởi có nhiều nhà đầu tư Israel lựa chọn thị trường Việt Nam hơn. Không chỉ doanh nghiệp mà Chính phủ Israel cũng đang dành ưu tiên cho châu Á, trong đó có Việt Nam.

Nguyễn Phạm (thực hiện)