📞

Italy coi Việt Nam là ưu tiên phát triển quan hệ hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á

Nhã Anh 18:59 | 07/06/2022
Trong những năm qua, Việt Nam và Italy tích cực thúc đẩy hợp tác thiết thực và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là thương mại và đầu tư. Hiện Italy là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Italy trong ASEAN.
Thủ tướng Phạm Minh Chính điện đàm với Thủ tướng Italy Mario Draghi ngày 20/4. (Nguồn: TTXVN)

Việt Nam và Italy thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức vào ngày 23/3/1973. Từ đó đến nay, quan hệ chính trị giữa hai nước được củng cố và phát triển nhanh chóng.

Đặc biệt, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào tháng 1/2013, hai nước tích cực thúc đẩy hợp tác thiết thực và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế, khoa học, giáo dục, quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường, kết nối địa phương.

Quyết tâm thúc đẩy hợp tác nhiều mặt

Hai bên duy trì hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương gồm Tham vấn chính trị thường niên cấp Thứ trưởng Ngoại giao (lần 3 vào tháng 5/2021), Đối thoại chính sách quốc phòng cấp Thứ trưởng (lần 3 năm 2019), Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế (lần 6 năm 2020).

Trao đổi đoàn cấp cao và tiếp xúc được duy trì thường xuyên. Hai năm qua, bất chấp bối cảnh dịch bệnh Covid-19, quan hệ song phương vẫn được duy trì nhờ sự linh hoạt thích ứng của cả hai bên, các tiếp xúc trao đổi qua hình thức trực tuyến.

Trong khuôn khổ Đối tác chiến lược, Việt Nam và Italy đã phối hợp tổ chức Tham vấn chính trị lần 3 (tháng 5/2021), họp Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế lần 6 (tháng 12/2020) và họp Ủy ban hỗn hợp về hợp tác khoa học và công nghệ lần 7 (tháng 7/2020).

Lãnh đạo cấp cao hai nước đã có một số dịp trao đổi tiếp xúc như Tổng thống Italy Mattarella đã có thư gửi Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng Quốc khánh Việt Nam (9/2021); Thủ tướng Italy đã có thư gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thông báo về việc viện trợ vaccine Covid-19 cho Việt Nam (tháng 8/2021). Đáp lại, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có điện mừng nhân dịp Tổng thống Mattarella tái đắc cử (1/2022); Tổng thống Mattarella đã có thư cảm ơn (7/2/2022); Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có thư chúc mừng Thủ tướng Italy Mario Draghi nhân dịp được bổ nhiệm là Thủ tướng (tháng 2/2021) và thư cảm ơn gửi Thủ tướng Italy đã hỗ trợ Việt Nam vaccine Covid-19 (9/2021).

Trong các dịp trao đổi cấp cao, Italy luôn khẳng định quyết tâm thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, coi Việt Nam là nước ưu tiên phát triển quan hệ ở khu vực Đông Nam Á.

Tại các diễn đàn đa phương, hai nước thường xuyên phối hợp, ủng hộ lẫn nhau, góp tiếng nói tích cực về việc đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh, tự do hàng hải và hàng không và tôn trọng luật pháp quốc tế.

Lô hàng bao gồm 2.021.360 liều vaccine AstraZeneca do chính phủ Italy trao tặng Việt Nam thông qua cơ chế COVAX. (Nguồn: UNICEF)

Đối tác thương mại hàng đầu của nhau trong khu vực

Quan hệ thương mại đầu tư là điểm sáng trong quan hệ hai nước nhờ sự tích cực tạo điều kiện tối đa của chính phủ hai bên. Việt Nam là 1 trong 10 thị trường mới nổi trong ưu tiên phát triển quan hệ thương mại và đầu tư của chính phủ Italy.

Hai bên luôn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực mà Italy có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như cơ khí chế tạo, kết cấu hạ tầng, dệt may, da giày, chế biến gỗ, công nghiệp phụ trợ, vật liệu xây dựng, dầu khí, năng lượng tái tạo, chế biến thực phẩm...

Năm 2019, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 5,4 tỷ USD (tăng gấp 3 lần từ mức 1,8 tỷ USD năm 2010). Năm 2020 do ảnh hưởng của dịch covid-19, kim ngạch thương mại song phương bị suy giảm nhưng vẫn duy trì ở mức khả quan với 4,67 tỷ USD; năm 2021 đạt 5,6 tỷ USD trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Italy đạt gần 3,9 tỷ USD (xuất siêu).

Nhờ những con số ấn tượng đó, hiện Italy là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam trong EU và Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Italy trong ASEAN.

Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Italy khá đa dạng, trong đó nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như điện thoại và linh kiện, máy móc thiết bị dụng cụ, phương tiện vận tải phụ tùng, sắt thép, sản phẩm dệt may, giày dép, cà phê. Trong đó, điện thoại các loại và linh kiện là nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu đứng đầu, chiếm khoảng 25% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Italy.

Kể từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực, quan hệ thương mại-đầu tư song phương càng thêm "thăng hoa" khi một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Italy tăng mạnh do tận dụng được ưu đãi từ Hiệp định.

Sau khi thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, hai nước đã thành lập Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác kinh tế và đã họp 6 phiên từ 2014-2020.

Về đầu tư, tính đến hết năm 2021, Italy đứng thứ 35 trong tổng số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với 132 dự án với tổng số vốn đạt gần 404 triệu USD. Trong giai đoạn 2016-2020, đầu tư của Italy vào Việt Nam tăng từ 360 triệu USD lên 440 triệu USD trong 21 ngành nghề, chủ yếu trong các ngành giày da, xây dựng, thiết bị vệ sinh, bình nóng lạnh, chế biến thép.

Nhiều tập đoàn lớn của Italy hoạt động tích cực tại Việt Nam, những dự án lớn nhất đều nằm trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo như Bonfiglioli (sản xuất động cơ), Piaggio (sản xuất, lắp ráp xe máy), Danieli Officina (sản xuất thép), Fiat Iveco (liên doanh ôtô Mekong), Datalogic, Ariston (sản xuất bình đun nước nóng). Nhiều nhà máy sản xuất đồ gỗ, chế biến đá của Việt Nam đang sử dụng máy móc, công nghệ của Italy. Thiết bị luyện thép của hãng Danieli đã có mặt tại trên 10 dự án ở Việt Nam, trong đó có nhà máy thép Việt-Italy, nhà máy thép Phú Mỹ.

Tập đoàn năng lượng ENI có mặt tại Việt Nam từ năm 2013 đang vận hành 5 lô trong lưu vực sông Hồng và Phú Khánh ở ngoài khơi miền Trung Việt Nam và ngày càng củng cố vị thế tại Việt Nam. Bên cạnh đó có rất nhiều doanh nghiệp, địa phương Italy mong muốn có cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp, địa phương Việt Nam.

Về hợp tác phát triển, hiện Italy vẫn đang tiếp tục hỗ trợ ODA cho Việt Nam với 11 dự án đang triển khai và 6 dự án khác trong giai đoạn chuẩn bị, tổng số vốn cam kết hơn 100 triệu Euro; tập trung cho đào tạo nghề và phát triển nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường và quản lý nguồn nước, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, y tế, các chương trình nghiên cứu khoa học.

Phân khoa Việt Nam, Khoa Á-Phi, trường Đại học Ca’Foscari tổ chức trình biểu diễn nghệ thuật "Vietnam Soul" tại Rome ngày 25/2.

Bức tranh hợp tác tổng thể nhiều màu sắc

Hợp tác Việt Nam-Italy như một bức tranh nhiều màu sắc được cấu thành từ những quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

Về văn hóa, hai nước thường xuyên tổ chức các tuần lễ/tháng văn hóa tại Italy và Việt Nam.Trong khuôn khổ Chương trình hợp tác văn hóa giai đoạn 2018-2021, hai bên đã tổ chức nhiều hoạt động quảng bá văn hóa Việt Nam tại các vùng Italy; thực hiện dự án trao đổi nghệ thuật đương đại Italy tại Việt Nam; mời chuyên gia Italy sang Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam.

Về giáo dục - đào tạo, năm 2019, hai bên ký Chương trình hành động về hợp tác giáo dục giai đoạn 2019-2022 với nội dung chủ yếu nhằm hợp tác phát triển ngôn ngữ, hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và cung cấp học bổng... Theo đó, phía Italy sẽ cung cấp sách giáo khoa cũng như phương tiện hỗ trợ âm thanh trực quan và các tài liệu giáo dục khác cho các cơ sở giáo dục phổ thông của Việt Nam để giảng dạy tiếng Italy và đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên nhằm nâng cao sự hiểu biết về văn hóa, giáo dục và phương pháp giảng dạy.

Hai bên cũng khuyến khích và hỗ trợ đẩy mạnh hợp tác giữa các trường đại học và cơ sở giáo dục, khuyến khích việc hỗ trợ các chuyến tham quan học tập giữa các trường đại học của hai nước, đặc biệt ưu tiên các chuyến thăm nhằm mục đích xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa các trường đại học.

Đặc biệt, hai bên đã tổ chức thành công 2 diễn đàn giáo dục đại học Việt Nam-Italy vào năm 2014 và 2019, hướng tới tổ chức lần 3 vào năm 2023.

Chính phủ Italy quan tâm hỗ trợ học bổng hằng năm cho sinh viên Việt Nam và hỗ trợ một số dự án giáo dục và đào tạo của Việt Nam, trong đó có dự án nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu cho Trường Đại học Y dược Huế, với số vốn đầu tư 1,27 triệu Euro.

Có thể thấy rõ, thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo là ưu tiên hàng đầu của Italy trong quan hệ với Việt Nam khi hai nước đã ký kết và hợp tác 72 dự án giáo dục, đào tạo. Cùng với đó, số lượng sinh viên trao đổi giữa hai nước ngày càng tăng ở cả hai chiều, với hơn 1.000 sinh viên Italy đang học tập tại các trường đại học của Việt Nam; khoa tiếng Italy của Đại học Hà Nội ngày càng thu hút nhiều sinh viên Việt Nam...

Về khoa học - công nghệ, kể từ khi thành lập vào tháng 11/1998, Ủy ban hỗn hợp về hợp tác khoa học công nghệ đã tổ chức 7 phiên họp và phê duyệt 7 Chương trình hợp tác về khoa học - công nghệ Việt Nam-Italy với hơn 90 dự án hợp tác nghiên cứu chung đã được ký kết, triển khai trên các lĩnh vực thế mạnh của Italy và nhu cầu quan tâm của Việt Nam như công nghệ sinh học và y học, môi trường và biến đổi khí hậu, hợp tác năng lượng hạt nhân, công nghệ thông tin và truyền thông, vật lý ứng dụng, công nghệ bảo tồn và phục hồi di sản văn hóa thiên nhiên, sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo…

Hai bên đã xây dựng kế hoạch hợp tác 2021-2023 về khoa học công nghệ với 11 dự án hợp tác nghiên cứu chung về khoa học nông nghiệp, thực phẩm; công nghệ sinh học, y tế; môi trường và biến đổi khí hậu; công nghệ vật liệu mới; ICT và công nghệ 4.0; bảo tồn di sản với mục tiêu thúc đẩy KH&CN là một trụ cột hợp tác quan trọng trong khuôn khổ đối tác chiến lược Việt Nam-Italy.

Bên cạnh đó, trong khuôn khổ Chương trình khung của EU (FP7) và Horizon 2020 (tiếp nối FP7), EU đã tài trợ nhiều dự án có sự tham gia của đối tác Italy trong việc hỗ trợ đào tạo cán bộ nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin và sinh học.

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh tại lễ kỷ niệm 76 năm Ngày Cộng hòa Italy-Quốc khánh Italy (2/6/1946-2/6/2022), do Tổng lãnh sự quán Italy tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tối 2/6. (Nguồn: TXVN)

Về du lịch, trong chiến lược phát triển du lịch của Việt Nam, Italy được xác định là một trong những thị trường trọng điểm và rất có tiềm năng. Số lượng khách Italy sang Việt Nam tăng trưởng khá với tốc độ trung bình 15% trong giai đoạn 2015-2019. Năm 2019, số lượng khách Italy đạt 70,8 triệu lượt, tăng 8% so với năm 2018.

Ở chiều ngược lại, Italy cũng là một trong những điểm đến hàng đầu của du khách Việt Nam khi thăm quan châu Âu. Hậu Covid-19, sau khi tình hình kinh tế xã hội ổn định và mở cửa trở lại, với đề xuất tiếp tục miễn thị thực trong 15 ngày cho du khách đến từ 5 nước Tây Âu gồm Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Italy, du lịch hứa hẹn sẽ tiếp tục "bùng nổ" trong quan hệ hợp tác hai bên.

Hơn nữa, Italy là quốc gia có nhiều kinh nghiệm trong phát triển du lịch gắn liền với di sản văn hóa nên hai bên có nhiều dư địa để nâng cao hợp tác trong lĩnh vực này.

Về hợp tác địa phương, hiện có gần 10 cặp quan hệ kết nghĩa giữa các địa phương hai bên trong đó đáng chú ý là Hà Nội-vùng Lazio, Bình Dương-vùng Emilia Romagna, TP. Hồ Chí Minh-Torino, Vĩnh Phúc-vùng Tuscany.

Đáng chú ý, Bình Dương và Vĩnh Phúc là những điển hình về các hoạt động hợp tác thương mại, đầu tư với phía Italy; hàng năm định kỳ đều có các hoạt động rà soát, xúc tiến đầu tư.

Bình Dương (xếp thứ 3 cả nước sau TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội về thu hút FDI) hiện có 8 dự án đầu tư với các doanh nghiệp Italy với tổng số vốn gần 64 triệu USD trong các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, sản xuất phụ kiện giày, túi xách thời trang, hàng tiêu dùng và thực phẩm.

Trong số 17/63 tỉnh thành có đầu tư của Italy, Vĩnh Phúc là địa phương đứng đầu với 2 dự án lớn của Piaggio với tổng số vốn đăng ký đạt 90 triệu USD.