Các cuộc cứu hộ trên biển diễn ra trong suốt cả ngày, khi những người di cư được vớt lên từ 36 chiếc thuyền chở đầy người đang hướng về phía Italy. Theo báo chí sở tại, dòng người di cư từ các cảng của Libya sang Italy tăng đột biến trong những ngày này là do biển đã yên sau một tuần có bão. Nhiều khả năng trong những ngày tới, sẽ có thêm nhiều thuyền chở người di cư từ các cảng ở khu vực Bắc Phi tới Italy với hy vọng sẽ được chấp nhận ở lại châu Âu.
Các cuộc cứu hộ hôm 3/10 diễn ra trong thời điểm tròn 3 năm ngày xảy ra vụ đắm thuyền chở người di cư trên biển, ở ngoài khơi đảo Lampedusa của Italy, khiến 386 người thiệt mạng.
Đó là vụ tai nạn thảm khốc nhất liên quan đến người di cư trái phép bằng đường biển Địa Trung Hải sang châu Âu. Sau sự kiện bi thảm đó, Italy đã chỉ trích Liên minh châu Âu (EU) thiếu các chính sách hỗ trợ người di cư và để mặc Italy phải đối mặt với làn sóng di cư ngày một lớn. Sau khi thỏa thuận EU - Thổ Nhĩ Kỳ về người di cư có hiệu lực từ cuối tháng 3 vừa qua, hơn 90% số người di cư sang châu Âu theo tuyến Địa Trung Hải, hướng đến Italy.
Báo cáo mới đây của Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) cho biết thêm Hy Lạp và Italy tiếp tục là hai "điểm đến" chính của người di cư vượt biển Địa Trung Hải vào châu Âu. Trong 9 tháng đầu năm nay, số người di cư vào Italy là hơn 130.000 người, giảm nhẹ so với con số 132.000 người cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, cùng thời gian trên, Hy Lạp ghi nhận số người di cư tới nước này giảm 57%, còn 165.750 người. Nguyên nhân là do thỏa thuận hồi tháng 3 giữa Liên minh châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề người di cư. Cho đến nay, làn sóng người di cư chủ yếu đến từ các nước đang xảy ra xung đột tại khu vực Trung Đông và châu Phi như Syria, Afghanistan, Iraq...
Dựa trên con số thống kê trong báo cáo về người di cư 9 tháng đầu năm 2016, các chuyên gia LHQ dự báo 2016 có thể là năm "chết chóc" nhất trên biển Địa Trung Hải đối với người di cư và tị nạn dù số người tìm cách vào châu Âu qua vùng biển này đã giảm so với năm trước.
Cụ thể, từ đầu năm tới nay, số người di cư tìm cách vào châu Âu qua đường biển Địa Trung Hải là hơn 300.000 người, giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm 2015. Trong khi đó, số người di cư thiệt mạng hoặc mất tích trên biển Địa Trung Hải trong thời gian này là 3.211 người, tức là chỉ thấp hơn 15% so với tổng số ca ghi nhận trong cả năm 2015 (3.771 người).
UNHCR lo ngại số người di cư thiệt mạng hoặc mất tích có thể còn tăng khi còn hơn 3 tháng nữa mới kết thúc năm 2016. Đã có hơn 10.000 người di cư thiệt mạng khi cố vượt Địa Trung Hải để tới châu Âu kể từ năm 2014.