Báo cáo thường niên của JCER vừa công bố có tiêu đề: “Châu Á trong thảm họa đại dịch Covid-19: Quốc gia nào đang trỗi dậy?”, nghiên cứu những tác động của dịch bệnh lên 15 nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, tầm nhìn tới năm 2035.
Trung Quốc đã sẵn sàng trở thành một quốc gia có thu nhập cao vào năm 2023 và vượt qua GDP của Mỹ vào cuối thập kỷ này. (Nguồn: Nikkei) |
Bản báo cáo đưa ra hai viễn cảnh. Ở viễn cảnh “cơ sở”, cuộc khủng hoảng chỉ là một sự kiện nhất thời, giống như một cơn động đất và viễn cảnh “phóng đại” - nơi dịch bệnh sẽ tàn phá các cấu trúc xu thế như toàn cầu hóa, đô thị hóa và sự sáng tạo.
Tuy nhiên, dù viễn cảnh nào xảy ra đi chăng nữa, báo cáo đã cho thấy sự thành công của Trung Quốc trong việc kiểm soát dịch bệnh, được đánh giá sẽ đưa quốc gia này vượt qua Mỹ vào cuối thập kỷ này.
Trong viễn cảnh “cơ sở”, Trung Quốc đang phải đối mặt với thực trạng tốc độ tăng trưởng chậm trong vài năm gần đây vì sụt giảm đầu tư, cũng như những thay đổi trong nhân khẩu học. Nền kinh tế thứ hai thế giới này vẫn được dự đoán tăng trưởng khoảng 3% trong năm 2035. Còn tại Mỹ, năng suất lao động giảm sút sẽ là tác nhân chính kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế của quốc gia này ở mức khoảng 1% trong năm 2035.
JCER dự báo, nền kinh tế của Trung Quốc có thể vượt Mỹ trong năm 2029. Và tính tới năm 2035, quy mô nền kinh tế Trung Quốc, trong đó có bao gồm Hong Kong, sẽ đạt 41.800 tỷ USD, thấp hơn không đáng kể so với tổng quy mô hai nền kinh tế của Mỹ và Nhật Bản, ước tính đạt 42.400 tỷ USD tại cùng thời điểm. Trung Quốc được dự đoán sớm trở thành một quốc gia có thu nhập cao vào năm 2023. Thu nhập bình quân đầu người của quốc gia này đạt 28.000 USD vào năm 2035, nhưng vẫn thấp hơn so với mục tiêu 30.000 USD của Chính phủ Trung Quốc.
Một số quốc gia khác như Việt Nam sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, 6% trong năm 2035, nhờ phần lớn vào khả năng xuất khẩu mạnh. Đài Loan (Trung Quốc) kiểm soát tốt dịch Covid-19, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế được dự đoán chỉ đạt 1% trong năm 2035 với nguyên nhân chính là tình trạng già hóa dân số.
Tại Ấn Độ, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm nay sẽ rất thấp vì dịch bệnh, nhưng quốc gia này có thể sẽ phục hồi rất nhanh và đạt mức tăng trưởng 5% vào năm 2035.
Ở viễn cảnh “phóng đại”, với việc sẽ phải bổ sung nhiều hơn những hậu quả từ dịch bệnh, Mỹ và Canada sẽ là hai quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, cùng với đó là Ấn Độ, Philippines và Indonesia, ba quốc gia có số lượng công dân làm việc tại nước ngoài lớn và phụ thuộc nhiều vào kiều hối. Bản báo cáo cũng cho thấy, tốc độ đô thị hóa trong viễn cảnh phóng đại sẽ chậm hơn so với viễn cảnh tiêu chuẩn và nhấn mạnh rằng, “sự giảm tốc của thương mại toàn cầu sẽ ảnh hưởng tới độ mở thương mại của các quốc gia, trong khi dòng người lao động nhập cư sẽ bị cản trở”.
Viễn cảnh phóng đại cũng giả định rằng, sức sáng tạo số sẽ tiếp tục phát triển mạnh và nguồn vốn đầu tư cho công tác R&D sẽ tăng cao hơn so với viễn cảnh tiêu chuẩn, trừ 5 nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Tốc độ tăng tưởng kinh tế của Mỹ, Singapore và nhiều quốc gia khác vào năm 2035 cũng sẽ thấp hơn đáng kể so với trong viễn cảnh tiêu chuẩn, phần lớn là vì những cản trở trong thương mại. Trong khi Trung Quốc là quốc gia vốn rất dễ bị tổn thương trong bối cảnh thương mại sụt giảm, lại được bù đắp bởi các khoản tiền đầu tư cho nghiên cứu. Trung Quốc, do đó, vẫn sẽ trỗi dậy mạnh mẽ.
| Thế giới năm 2020: Từ khóa ‘lockdown’ chiếm sóng, nỗi đau tê liệt và 'cửa sáng' cho năm 2021 TGVN. Đánh giá về sự đảo lộn cuộc sống do Covid-19 mang lại cho thế giới năm 2020, các nhà nghiên cứu ngôn ngữ của ... |
| Sau rượu vang, sản phẩm nào của Australia sẽ rơi vào ‘tầm ngắm’ của Trung Quốc? TGVN. Trên trang SCMP, các nhà phân tích nhận định, sản phẩm len của Australia có thể là mục tiêu thương mại tiếp theo của ... |
| Trung Quốc: Xuất khẩu tháng 11 tăng mạnh nhất trong 3 năm TGVN. Xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 11 đã tăng mạnh nhất trong gần 3 năm, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm ngoái. |