📞

JETRO: Doanh nghiệp Nhật Bản chuyển hướng đầu tư mới ở Việt Nam

06:48 | 24/02/2023
Theo Văn phòng Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại Tp. Hồ Chí Minh, tại buổi làm việc với UBND tỉnh Vĩnh Long về môi trường đầu tư tại địa phương, tổ chức ngày 23/2, doanh nghiệp Nhật Bản đang quan tâm và tìm cơ hội đầu tư ở các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; trong đó trọng tâm là tỉnh Vĩnh Long.
Tại buổi làm việc giữa tỉnh Vĩnh Long và JETRO. Trong ảnh, ông Nguyễn Văn Liệt – Phó Chủ tịch UBND tỉnh tiếp đoàn. (Ảnh: Báo Vĩnh Long)

Ông Ida Koji - Phó Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Tp. Hồ Chí Minh cho biết, Việt Nam là một trong những điểm đến đầu tư rất tiềm năng, hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Nhật Bản và các doanh nghiệp quốc tế. Những năm gần đây, doanh nghiệp Nhật Bản xem Việt Nam là một trong những điểm đến đầu tư quan trọng, là quốc gia đứng thứ 2 sau Mỹ trên bảng xếp hạng về địa điểm đầu tư. Tuy nhiên, từ trước đến nay, các doanh nghiệp Nhật Bản chỉ tập trung đầu tư vào các khu vực Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Do đó, nhân công và chi phí xây dựng tại các khu vực này ở mức cao và quỹ đất trong khu công nghiệp hiện tại đã bị hạn hẹp. Chính vì vậy, các doanh nghiệp Nhật Bản đang tích cực tìm cơ hội đầu tư ở các tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt trọng tâm là tỉnh Vĩnh Long.

Theo ông Ida Koji, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng gặp một số khó khăn nhất định khi đầu tư, nhất là thủ tục hành chính ở các tỉnh khá phức tạp và tốn nhiều thời gian để xử lý. Do đó, các doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn tỉnh Vĩnh Long sẽ thiết thực lắng nghe những khó khăn, vướng mắc mà các doanh nghiệp Nhật Bản cũng như các doanh nghiệp nước ngoài gặp phải khi đầu tư vào tỉnh. Để từ đây, Vĩnh Long có thể giải quyết, hỗ trợ các doanh nghiệp giải quyết vấn đề, từ đó thu hút đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài vào địa phương nhiều hơn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Liệt cho biết, quan điểm phát triển của tỉnh Vĩnh Long đến năm 2030 là phải tạo đột phá chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu sản xuất trong từng ngành, từng lĩnh vực; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn; phát triển mạnh công nghiệp, tạo động lực tăng trưởng kinh tế, nhất là công nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp.

Bên cạnh đó, tỉnh phát huy nội lực, thu hút nguồn lực trong nước và quốc tế để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại, trọng tâm là hạ tầng đô thị, giao thông, điện, thuỷ lợi, hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông; gắn phát triển nông nghiệp và du lịch trong quan hệ tổng thể với các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và tiểu vùng MeKong mở rộng. Đồng thời, tỉnh phát triển kinh tế-xã hội gắn với thích ứng biến đổi khí hậu và nước biển dâng, phù hợp với từng ngành, lĩnh vực đảm bảo tính đa mục tiêu, hiệu quả và phát triển bền vững.

Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long cam kết luôn đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh.

Vĩnh Long được biết đến là một trong những tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp của vùng. Hàng năm, tỉnh sản xuất được trên 817.000 tấn lúa, khoảng 235.000 tấn khoai lang, cùng với các loại cây ăn quả đặc sản có giá trị kinh tế cao như: nhãn, xoài, cam sành Tam Bình, bưởi Năm Roi Bình Minh, sầu riêng 6 Ri… Kinh tế thủy sản là một trong những mũi đột phá của tỉnh, với diện tích nuôi trồng khoảng 2.485 ha, sản lượng thủy sản (chủ yếu là cá tra, cá điêu hồng) đạt gần 134.000 tấn/năm.

(theo TTXVN)