📞

“Jokowinomics” - Cải cách Indonesia

15:48 | 30/10/2014
Tân Tổng Thống Indonesia Joko Widodo được kỳ vọng sẽ triển khai những cải cách táo bạo như cam kết trong chiến dịch tranh cử.
Với tư tưởng đổi mới, ông Widodo đã chiếm được niềm tin thị trường.

Nằm trong số 30 nền kinh tế lớn nhất trên thế giới, Indonesia có lý do để kỳ vọng vào một vị trí lớn hơn trong khu vực và quốc tế. Đó là điều người dân Indonesia trông đợi trước cơ hội thay đổi và bứt phá, khi nhiệm kỳ Tổng thống mới bắt đầu. Chính việc đa số cử tri Indonesia bỏ phiếu cho nhà kinh doanh có nhiều sáng tạo Joko Widodo cho thấy người dân đất nước "vạn đảo" đã lựa chọn hướng đi mới, với nhiều kỳ vọng về một tương lai tươi sáng hơn.

"Jokowinomics"

Ngày nhậm chức, ông Joko đặt tên cho nội các của mình là "Nội các hành động". Cùng với "Jokowinomics" - Chương trình phát triển kinh tế nhiệm kỳ năm năm, mục tiêu của ông Joko và nội các sẽ là thúc đẩy Indonesia thịnh vượng, bao gồm chủ quyền chính trị, độc lập kinh tế và bản sắc văn hóa. Tinh thần này sẽ được thổi vào tất cả các chính sách nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động và vị thế đất nước.

Kinh tế Indonesia hiện đang phát triển ở tốc độ chậm nhất trong năm năm qua, hàng loạt các vấn đề đang đặt ra các thách thức lớn đối với ông Joko. Tờ Jakarta Post nhận định, trong bối cảnh đó, đẩy mạnh tăng trưởng là rất cần thiết để củng cố nền tảng kinh tế, vì vậy "Jokowinomics" đòi hỏi cuộc cách mạng được xem như một chiến lược phục hồi cho tương lai nền kinh tế Indonesia. Cuộc cách mạng này được bắt đầu bằng việc xây dựng năng lực, cũng như cải thiện hệ thống quản trị kinh tế để có một cấu trúc cạnh tranh hơn. Chiến lược phát triển quốc gia sẽ dựa trên ba trụ cột là cải thiện cơ sở hạ tầng kinh tế, xây dựng chủ quyền lương thực và hiện đại hóa các nguồn năng lượng.

Khái niệm "Jokowinomics" cho thấy Jokowi muốn bắt đầu phát triển kinh tế từ những khu vực yếu nhất, trong đó Nhà nước giữ vai trò quan trọng để hỗ trợ, tăng cường cho nền tảng kinh tế. Điều này đòi hỏi phải có một mạng lưới cơ sở hạ tầng đầy đủ, và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng chính là chất xúc tác cho tăng trưởng kinh tế. Đổi mới cơ sở hạ tầng khu vực sẽ mở ra các trung tâm tăng trưởng mới, trải đều, giúp phát triển kinh tế trên khắp cả nước. Trong đó, kế hoạch phát triển kinh tế biển - tiềm năng lớn của Indonesia được chú trọng, để khu vực này phát triển thành các trung tâm phân phối kinh tế, tránh lãng phí tiềm năng tài nguyên biển.

"Jokowinomics" cũng tập trung vào chủ quyền lương thực, nghĩa là không chỉ tập trung tăng cường sản xuất để sớm tự túc lương thực, mà còn quan tâm cải tiến về hạ tầng nông nghiệp, phát triển các nhà máy chế biến thực phẩm chất lượng cao, cũng như phát triển nông nghiệp theo cách tiếp cận toàn diện, liên kết với các lĩnh vực khác.

Những nỗ lực để phục hồi và cải thiện cơ sở hạ tầng quốc gia đòi hỏi đầu tư lớn từ chính phủ, nên nguồn ngân sách dành cho phát triển và chính sách tài khóa sẽ được quản lý tiết kiệm, hiệu quả phù hợp với mục tiêu và công bằng xã hội.

Thay đổi và bứt phá

Tờ Bloomberg so sánh tân Tổng thống Indonesia với người đồng nhiệm Mỹ Barack Obama-một nụ cười chiến thắng cùng danh tiếng trong giới trẻ. Ông Joko Widodo cũng được kỳ vọng sẽ tạo ra những sự thay đổi lớn cho Indonesia.

Tuy nhiên, bối cảnh hiện tại đang gia tăng sức ép lên vị trí người đứng đầu Indonesia, khi khó khăn đầu tiên mà ông phải đối mặt là tiến độ cải cách và nhịp độ tăng trưởng kinh tế đang chậm lại (chỉ đạt khoảng 5,3% trong năm 2014).

Tiếp đến là vấn đề kiểm soát và đẩy lùi nạn tham nhũng tràn lan, nhằm tạo sự công bằng cho tất cả người dân và cải thiện môi trường đầu tư. Nạn tham nhũng đã ảnh hưởng lớn tới danh tiếng điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất ở châu Á của Indonesia. Một thách thức đặt ra cho Chính phủ mới là từng bước thu hẹp khoảng cách giàu nghèo đang ngày càng nới rộng, đe dọa mục tiêu xóa đói giảm nghèo.

Tân Tổng thống Indonesia cũng sẽ chịu áp lực cắt giảm ngân sách trợ cấp nhiên liệu lớn (hơn 21 tỉ USD trong năm nay, chiếm 13% ngân sách). Nhiều năm qua, Ngân hàng Thế giới (WB) và một số tổ chức khác đã hối thúc Indonesia xóa bỏ trợ cấp nhiên liệu, qua đó sẽ giải phóng nguồn ngân sách đầu tư cho hệ thống hạ tầng đang xuống cấp, cũng như dịch vụ y tế và giáo dục, đồng thời gửi một thông điệp mạnh mẽ tới các nhà đầu tư - những người hiện lo ngại về tình hình thâm hụt ngân sách của Indonesia (2,4% GDP năm 2014).

Xuất thân từ một gia đình lao động, lập nghiệp và gặt hái thành công từ chính đầu óc nhạy bén trên thương trường, với tư tưởng đổi mới, ông Widodo đã chiếm được niềm tin thị trường. Vào ngày ông nhậm chức, thị trường chứng khoán Indonesia đóng cửa ở mức cao nhất kể từ đầu tháng 10. Đồng Rupiah cũng đã tăng mạnh nhất trong vòng 3 tuần. Các nhà đầu tư đang kỳ vọng vào một kỷ nguyên kinh tế mới của Indonesia dưới sự lãnh đạo của ông Widodo.

Minh Anh