Văn phòng thị trưởng Almaty, Kazakhstan bị đốt cháy ngày 5/1. (Nguồn: Reuters) |
Biểu tình leo thang
Theo truyền thông địa phương, kể từ ngày 1/1/2022, giá khí đốt tại Kazakhstan tăng từ 60 lên 120 Tenge/lít (khoảng 0,14 - 0,28 USD).
Ngay sau đó, ngày 2/1, một số cuộc biểu tình bạo loạn nhằm phản đối động thái này đã diễn ra ở tỉnh Mangistau, thành phố Aktau và một số thành phố khác của Kazakhstan. Sau khi xảy ra các cuộc biểu tình, nhà chức trách cam kết sẽ nỗ lực hạn chế việc tăng giá khí đốt.
Ngày 5/1, một nguồn thạo tin cho biết, những người biểu tình đã giành quyền kiểm soát sân bay của Almaty, thành phố lớn nhất Kazakhstan. Tất cả các chuyến bay đến và đi từ Almaty đều tạm thời bị hủy.
Trong khi đó, hãng tin Sputnik dẫn tuyên bố của Bộ Nội vụ Kazakhstan cho biết, 8 cảnh sát và vệ binh quốc gia đã thiệt mạng cùng 317 người bị thương trong các cuộc biểu tình bạo loạn.
Đến ngày 6/1, Reuters cho hay, phóng viên tại hiện trường đưa tin, một số phương tiện bọc thép và hàng chục binh lính đã tiến vào quảng trường chính ở thành phố Almaty. Các nhân chứng đã nghe thấy tiếng súng khi binh lính tiếp cận đám đông biểu tình.
Ban đầu, Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev ký sắc lệnh thực thi tình trạng khẩn cấp tại tỉnh Mangistau và thành phố Almaty từ 1h30 ngày 5/1 đến 0h ngày 19/1 tới, song, kênh truyền hình Mir-24 sau đó cho biết, tình trạng khẩn cấp đã được áp dụng trên toàn quốc.
Ông nhấn mạnh, quyết định này nhằm đảm bảo an ninh và an toàn xã hội, lập lại trật tự, luật pháp, cũng như bảo vệ quyền lợi của công dân.
Nhà lãnh đạo Kazakhstan cũng có bài phát biểu trên truyền hình kêu gọi người dân thận trọng, không hùa theo các âm mưu gây bất ổn cho đất nước.
Khẳng định sẽ xem xét kỹ tất cả các yêu cầu pháp lý từ phía những người biểu tình, sau đó sẽ đưa ra quyết định phù hợp, Tổng thống Tokayev kêu gọi người biểu tình thể hiện sự sẵn sàng đối thoại.
Tuy nhiên, Tổng thống Kazakhstan khẳng định, những lời xúi giục tấn công các văn phòng dân sự và các địa điểm quân sự là vi phạm luật pháp, chính quyền coi đây là hành động tội phạm và sẽ xử phạt các đối tượng có liên quan.
Chính phủ từ chức, các tổ chức tài chính ngừng hoạt động
Ngày 5/1, Tổng thống Tokayev đã ký sắc lệnh chấp thuận để chính phủ nước này từ chức, song, ông Smailov Alikhan Askhanovich, Thủ tướng vừa từ chức sẽ đảm nhận vai trò là Thủ tướng lâm thời của Kazakhstan.
Theo Sắc lệnh, các thành viên chính phủ sẽ tiếp tục nhiệm vụ cho tới khi chính phủ mới được thành lập.
Cùng ngày, Tổng thống Tokayev cho biết, ông đã tiếp quản vị trí Chủ tịch Hội đồng An ninh từ nhà lãnh đạo kỳ cựu Nursultan Nazarbaye.
Trong khi đó, ngày 6/1, Đài truyền hình Khabar 24 TV dẫn lời người phát ngôn Ngân hàng Quốc gia Kazakhstan Olzhas Ramazanov cho biết, tất cả các tổ chức tài chính ở nước này đã ngừng hoạt động.
Ông Ramazanov nêu rõ: "Bởi các hoạt động chống khủng bố của các cơ quan thực thi pháp luật và sự gián đoạn Internet tạm thời, Cơ quan điều tiết và phát triển thị trường tài chính cùng Ngân hàng Quốc gia Kazakhstan ghi nhận sự đình chỉ hoạt động tạm thời của tất cả các tổ chức tài chính".
Tổng thống Kazakhstan 'cầu viện' CSTO
Theo hãng thông tấn Nga Interfax, tối 5/1 theo giờ địa phương, Tổng thống Tokayev đã yêu cầu sự hỗ trợ của các quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) trước tình hình bạo lực leo thang trong nước do các phần tử khủng bố đứng đằng sau.
Phát biểu trên truyền hình, nhà lãnh đạo Kazakhstan nói: “Chúng tôi cho rằng những băng đảng khủng bố này có tính chất quốc tế, chúng đã trải qua huấn luyện nghiêm túc ở nước ngoài, cuộc tấn công của chúng vào Kazakhstan có thể và cần được coi là hành động xâm lược".
Theo ông, vì lý do này, trên cơ sở Hiệp ước an ninh tập thể, ông đã đề nghị lãnh đạo các quốc gia CSTO hỗ trợ Kazakhstan "vượt qua các nguy cơ khủng bố này".
Ông Tokayev nói thêm rằng "các băng nhóm khủng bố đang chiếm giữ các cơ sở hạ tầng lớn", bao gồm sân bay ở thành phố Almaty và 5 máy bay, trong đó có một chiếc của hãng hàng không nước ngoài.
CSTO có 6 quốc gia thành viên, gồm Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga và Tajikistan. Điều lệ của tổ chức này cho phép giải quyết tình trạng bất ổn nội bộ, nhưng phải được thực hiện trên cơ sở quyết định của một quốc gia có chủ quyền.
Trước yêu cầu của Kazakhstan, ngày 6/1, CSTO thông báo, họ sẽ cử "các lưc lượng gìn giữ hòa bình" tới quốc gia đang phải hứng chịu làn sóng bất ổn tồi tệ nhất trong một thập kỷ qua.
Trên mạng xã hội Facebook, Thủ tướng Nikol Pashinyan của Armenian, nước Chủ tịch đương nhiệm của CSTO, cho biết, các lực lượng giữ gìn hòa bình sẽ ở Kazakhstan "trong một khoảng thời gian giới hạn để ổn định và bình thường hóa tình hình vốn có nguyên nhân từ sự can thiệp ở bên ngoài".
Lực lượng an ninh Kazakhstan trấn áp các cuộc biểu tình ở Almaty ngày 5/1. (Nguồn: Reuters) |
Dư luận quốc tế
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay, Nga không nhận được những yêu cầu từ phía Kazakhstan về việc hỗ trợ giải quyết vấn đề biểu tình ở quốc gia Trung Á này.
Cho rằng Kazakhstan "có thể giải quyết được những vấn đề nội bộ của riêng họ”, ông Peskov đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của yêu cầu các nước bên ngoài không can thiệp vào công việc nội bộ của Kazakhstan.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga cũng ra thông điệp kêu gọi “đối thoại” tại nước cộng hòa từng thuộc Liên Xô trước đây.
Thông cáo của bộ trên nhấn mạnh: “Chúng tôi ủng hộ giải pháp hòa bình cho mọi vấn đề trong khuôn khổ pháp luật và hiến pháp, cũng như thông qua đối thoại, thay vì thông qua những vụ bạo loạn trên đường phố và vi phạm pháp luật".
Trong khi đó, Cơ quan Đối ngoại của Liên minh châu Âu (EEAS) kêu gọi tất cả các bên tham gia cuộc khủng hoảng ở Kazakhstan kiềm chế bạo lực và khuyến khích giải quyết xung đột một cách hòa bình.
Trong một tuyên bố, người phát ngôn của EEAS nhấn mạnh: "EU khuyến khích giải quyết tình hình một cách hòa bình thông qua đối thoại toàn diện với tất cả các bên liên quan và tôn trọng các quyền cơ bản của công dân".
EEAS cũng lưu ý chính phủ Kazakhstan cần tôn trọng các quyền cơ bản đối với các cuộc biểu tình hòa bình và tuân thủ các cam kết về quyền tự do báo chí, quyền tiếp cận thông tin và việc sử dụng vũ lực ở mức tương xứng trong khi bảo vệ các lợi ích an ninh quốc gia.
Về phía Mỹ, Bộ Ngoại giao nước này kêu gọi các nhà chức trách và những người biểu tình ở Kazakhstan cùng tìm cách giải quyết tình trạng bạo lực.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nêu rõ: "Mỹ đang theo dõi chặt chẽ tình hình ở Kazakhstan, vốn là đối tác quan trọng của chúng tôi. Chúng tôi lên án các hành động bạo lực và phá hoại tài sản. Đồng thời, kêu gọi các nhà chức trách và những người biểu tình kiềm chế".
Mỹ kêu gọi người dân Kazakhstan tôn trọng và bảo vệ các thể chế Hiến pháp, nhân quyền và tự do báo chí, bao gồm cả việc khôi phục các dịch vụ Internet ở quốc gia Trung Á này.